Ông Trần Quang Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; UVTT – CVP Ban Chỉ đạo TW về PCTT)-Thứ năm, ngày 29/03/2018 12:07 GMT+7
Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; UVTT – CVP Ban Chỉ đạo TW về PCTT
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Điển hình là 02 năm gầy đây, trong năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn lịch sử xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân, 05 trận lũ lớn liên tiếp tại khu vực miền Trung gây ngập úng kéo dài,… thiên tai đã làm 286 người chết và mất tích, 5431 nhà bị đổ, sập, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng. Năm 2017, là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 04 ATNĐ) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 10 và số 12 đổ bộ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đợt mưa lớn diện rộng cuối mùa vào giữa tháng 10, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 08 cửa xả đáy; mưa lũ đặc biệt lớn (xấp xỉ mức lịch sử) sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung; lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam; sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung,…Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã làm 386 người chết và mất tích; 8100 nhà đổ sập; 550.000 nhà bị ngập, tốc mái; 350.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại...tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.
Sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tích cực chủ động nhưng tổn thất do thiên tai gây ra vẫn còn lớn, nhất là về kinh tế. Bên cạnh yếu tố bất thường của thiên tai, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn ở mức chưa cao, một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn là do nhận thức của các cấp chính quyền còn hạn chế, bất cập, chủ yếu tập trung cho hoạt động ứng phó, chưa quan tâm đúng mức cho phòng ngừa và khắc phục hậu quả. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn chưa cao trong quá trình sản xuất, sinh hoạt; một số bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó với thiên tai; tập quán sinh sống, sản xuất ven sông, suối, ven biển, vùng thấp trũng; một số hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã làm gia tăng rủi ro thiên tai dẫn đến rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra còn rất lớn.
Công tác nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dân mà cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai và các nhóm cộng đồng khác trong xã hội, phải chuyển hướng nhận thức và hành động "lấy phòng ngừa là chính".
Trong thời gian qua, Nhà nước, người dân và các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều giải pháp, hành động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông về phòng chống thiên tai. Một số hoạt động cụ thể như sau:
Một là, Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Hai là, Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn, đào tạo tập huấn, các tài liệu chính khảo và tham khảo về phòng, chống thiên tai.
Ba là, Tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức cộng đồng:
Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009. Đến nay, đã có khoảng 1900 xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã có hoạt động về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đào tạo, tập huấn cho 1475/1439 giảng viên cấp tỉnh, đây là đội ngũ nòng cốt tại địa phương để triển khai xuống các cấp tiếp theo; biên soạn và chuyển giao 24.023 tài liệu đào tạo, tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho địa phương; xây dựng, tuyên truyền, phổ biến 50 phim ngắn hướng dẫn về phòng chống thiên tai trên các kênh truyền hình.
Bốn là, Thúc đẩy, triển khai đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của người dân:
- Nhiều địa phương với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã tiến hành các hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng tại nhiều địa bàn làng, xã.
- Triển khai đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân khu vực 19 tỉnh miền núi từ Quảng Nam trở ra: nhằm cung cấp cho chính quyền cấp xã, huyện và tỉnh thông tin sơ bộ về số lượng hộ gia đình có chỗ ở kém an toàn, chỗ ở cần di dời khẩn cấp thông quan việc sử dụng các biểu mẫu đánh giá nhanh để tổ chức phỏng vấn, khảo sát từng hộ gia đình ở những nơi có nguy cơ cao và đưa ra đánh giá, nhận định. Đồng thời, qua đây là một hình thức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống thiên tai, giúp người dân bước đầu có sự chủ động để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của gia đình trước các rủi ro thiên tai, từ đó tăng cường ý thức chấp hành thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền nơi cư trú. Thực hiện từ tháng 8/2017, theo báo cáo của các địa phương, đã có 17 tỉnh khu vực miền núi đã tiến hành khảo sát cho 1.274.673 hộ gia đình ở khu vực thường chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất, trong đó có 83.868 chỗ ở kém an toàn, 5.176 chỗ ở cần di dời khẩn cấp.
Năm là, Đưa giáo dục về Phòng chống thiên tai vào hệ thống trường học: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành các tài liệu lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong trường học; tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho đối tượng trẻ em (như chiến dịch phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến nước cho trẻ em trên phạm vi cả nước; Chiến dịch truyền thông "Trường học của Sơn Tinh" tại 04 tỉnh, thành phố trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
Sáu là, Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông, cải tiến, đổi mới nội dung thông tin, truyền thông đến cộng đồng:
- Triển khai, truyền tin chuỗi hoạt động truyền thông hưởng ứng các ngày lễ, kỉ niệm - ngày truyền thống giảm nhẹ thiên tai; ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10), đăng tin hàng chục bài viết chuyên đề về phòng chống thiên tai được đăng tải nhiều tờ báo việt, báo điện tử. Tổ chức cuộc thi xây dựng phim, phóng sự ngắn "Những sự kiện thiên tai cực đoan tại Việt Nam: Bài học quá khứ và hành động tương lai". Phối hợp, xây dựng và truyền tải các tài liệu truyền thông, nâng cao nhận thức (tờ rơi, ảnh triển lãm, các phim tài liệu, phóng sự, video clip …). Hưởng ứng truyền thông qua mạng xã hội Facebook - trang "Thông tin phòng chống thiên tai" nhằm chia sẻ thông tin, liên kết, kết nối hướng đến kết nối với các cấp, ngành, các tổ chức và người dân.
- Phương thức truyền tải về tình hình thiên tai cũng trở nên đa dạng, giúp người dân dễ dàng nắm bắt, trong đó phải kể đến hình thức nhắn tin đến các thuê bao. (Ví dụ tính riêng trận bão số 12 và 16, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các nhà mạng gửi tới khoảng 28 triệu tin nhắn thông tin về tình hình bão tới người dân ở khu vực bị ảnh hưởng).
- Tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng: Cơ quan nhà nước các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình tăng cường thời lượng phát song, đưa thông tin ứng phó thiên tai kịp thời đến được người dân, các cấp chính quyền các cơ quan thông tin đại chúng: tăng cường thông tin, truyền thông phục vụ đưa tin về diễn biến thiên tai, chỉ đạo điều hành ứng phó của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo, công tác chỉ đạo điều hành, công tác khắc phục hậu quả tại các cấp địa phương, sự hỗ trợ của quốc tế.
- Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai trong các đợt thiên tai đến người dân: Truyền tải các hướng dẫn cho BCH PCTT và TKCN, các đài phát thành truyền hình các cấp địa phương tăng cường phát sóng thông tin cảnh báo thiên tai (bão, sạt lở và lũ quét, lũ lụt) cho người dân tại cấp huyện, xã vùng ảnh hưởng. Truyền tải tài liệu, video clip hướng dẫn kỹ năng PCTT để chuyển tải đến người dân vùng thiên tai để chủ động phòng tránh. Chủ động phối hợp để xây dựng tài liệu xây dựng, lồng ghép các hướng dẫn kiến thức, kĩ năng phòng chống thiên tai theo từ ng đối tượng (ví du: Cách neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, Cách di chuyển an toàn thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; Hướng dẫn bảo vệ lồng bè…cho ngư dân, phương tiện hoạt động trên biển chủ động phòng tránh bão (như Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai).
Các tài liệu, video hướng dẫn kỹ năng về phòng chống thiên tai cũng đã đăng tải trên trang website của Văn phòng thường trực BCĐ TW về PCTT: phongchongthientai.vn
- Đưa tin thông tin các số liệu thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, các điểm nóng, truyền tải đến người dân và cộng đồng, góp phần vào công tác chỉ đạo điều hành các cấp, định hướng thông tin, dư luận;
- Chủ động phản ánh công khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động chỉ đạo điều hành khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân tại vùng thiên tai.
Một số thách thức, khó khăn:
- Diễn biến thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tính bất thường.
- Nhận thức của một số bộ phận cộng đồng người dân còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng đều; thiếu các hình thức và sự quan tâm cao các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cụ thể cho các nhóm đối tượng, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
- Chính sách cụ thể để người dân, trong đó có các doanh nghiệp chủ động tham gia vào công tác phòng chống thiên tai còn thiếu và bất cập.
- Nguồn kinh phí cho công tác phòng ngừa trong đó có hoạt động nâng cao nhận thức còn hạn chế.
- Phương tiện thông tin, truyền thông tới cộng đồng còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là thông tin đến các vùng sâu vùng xa.
Hiện nay các cơ quan, tổ chức đã quan tâm bố trí nguồn lực, tuy vậy các hoạt động còn chưa thường xuyên, thiếu bền vững.
Nhiệm vụ và giải pháp:
Trước những thách thức và yêu cầu mới, công tác tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, những người làm công tác phòng chống thiên tai, doanh nghiệp và người dân với phương châm "phòng ngừa là chính".
2. Đẩy mạnh hỗ trợ, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống thiên tai, xác định các rủi ro thiên tai và giải pháp ứng phó phù hợp cho từng nhóm cộng đồng người dân và khu vực. Đa dạng hóa các hình thức truyền tải, phổ biến như hoạt động đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai; hoạt động thông tin, tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức; các hội thảo, hội nghị, tọa đàm chia sẻ các bài học kinh nghiệm mới và kinh nghiệm dân gian; cập nhật, đổi mới và xây dựng các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao nhận thức,….
3. Tiếp thu, nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ thông tin, các công cụ hỗ trợ cho người dân: Xác định và đánh giá về các loại hình thiên tai, rủi ro thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương. Nghiên cứu thí điểm và tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tại cộng đồng, xây dựng và tăng sự tiếp cận sử dụng các bản đồ rủi ro thiên tai, bản đồ quy hoạch, sử dụng đất; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức trong hệ thống trường học, các cơ sở đào tạo;
4. Phát huy, nhân rộng các bài học tốt trong cộng đồng người dân trong đó có các giải pháp truyền thống và giáo dục qua các hình ảnh, tư liệu, sự kiện thiên tai lịch sử.
5. Rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để tăng sự chủ động tham gia, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng người dân: Chính sách hỗ trợ tài chính về phòng chống thiên tai và giúp người dân trong hoạt động sinh kế và bảo vệ môi trường sống, không làm gia tăng rủi ro thiên tai; chính sách để người dân tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quy hoạch, giám sát các hoạt động phòng chống thiên tai; Hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân; đặc biệt, chính sách để phát triển các đơn vị, tổ chức ứng phó tại chỗ tại cộng đồng nhằm phòng chống thiên tai có hiệu quả.
6. Sắp xếp, huy động và xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác nâng cao nhận thức bao gồm nguồn Ngân sách Nhà nước, quỹ Phòng chống thiên tai, sự hỗ trợ của các tổ chức, các nhân trong nước và quốc tế, huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân; Lồng ghép vào các chương trình, dự án có liên quan để triển khai thực hiện: chương trình nông thôn mới,…
Nếu chúng ta tổ chức thực hiện được 6 giải pháp nêu trên, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, sức chống chịu của cộng đồng và góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai, góp phần phát triển bền vững đất nước.