Theo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu. Phương án thứ nhất: từ năm 2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ ngày 1/1/2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Báo Kinh tế Đô thị nêu quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là có nhiều ý kiến đồng tình với phương án 1 bởi đây là phương án an toàn cho mối quan hệ lao động, đảm bảo tính bền vững và không gây sốc cho quan hệ lao động, thị trường lao động. Từ đó không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, an ninh chính trị.
Nếu tăng tuổi nghỉ hưu nhanh quá có thể gây sốc cho thị trường lao động nên phương án tăng chậm, có lộ trình dường như là hợp lý. Dù đây mới chỉ là dự thảo và đang xin ý kiến nhưng lo ngại không hẳn là không có lý. Ở một góc độ khác, đó là sự khác biệt về quan điểm giữa cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên chức còn sức và có thể cống hiến; còn người lao động, nhất là những người làm việc trong môi trường độc hại, sức khỏe sẽ suy giảm. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ muốn "chạy" ghế, "chạy" hưu thêm thuận lợi để đạt mục đích của mình. Trong khi đó, những người lao động là công nhân trực tiếp muốn nghỉ hưu sớm lại phải mỏi mòn chờ đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!