Giờ đây, đa số mọi người đều có thể dễ dàng thưởng thức những món ngon ngay tại nhà, nhờ sự phổ biến của các ứng dụng đặt hàng và giao đồ ăn. Nhưng ít người biết rằng, giới nhà hàng cũng đang phải chạy đua để thích ứng với xu hướng mới này.
Cuộc đua đặt hàng online của các chuỗi nhà hàng lớn
Chỉ mới hồi tuần trước, chuỗi nhà hàng bình dân Chopt Creative Salad đã vừa khai trương cửa hàng thứ 62 của mình tại New York. Tuy nhiên, cửa hàng này dường như thiếu những thứ cần phải có ở mọi cửa hàng khác: các dãy bàn ghế, và máy tính tiền ở quầy lễ tân. Thay vào đó, khách hàng chỉ có 2 lựa chọn với cửa hàng này: đặt hàng tới lấy mang về, hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng.
Chuỗi nhà hàng Chopt (Mỹ) mở địa điểm đầu tiên dành riêng cho đặt hàng trực tuyến.
Những dịch vụ này đã được Chopt giới thiệu ngay từ khi hãng thành lập, nhưng phải tới bây giờ, cùng với sự bùng nổ của đặt hàng qua ứng dụng điện thoại, thì chúng mới trở thành một nguồn thu đáng kể. Trước khi mở cửa hàng mới ở New York, mua mang đi và giao hàng tận nơi đã chiếm tới gần 50% tổng doanh thu của Chopt từ đầu năm. Giám đốc marketing Julie Atkinson chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy, tốc độ và sự tiện lợi là những yếu tố được khách hàng quan tâm nhất hiện nay. Và mô hình của cửa hàng mới sẽ hướng tới việc thỏa mãn các nhu cầu này".
Không chỉ những chuỗi nhà hàng quy mô vừa và nhỏ như Chopt quan tâm tới xu hướng đặt hàng qua ứng dụng. Ông lớn đồ ăn nhanh Chick-fil-A, với hơn 2000 cửa hàng trên khắp nước Mỹ năm nay cũng đã bắt đầu vận hành một số cửa hàng với mô hình tương tự tại các thành phố Nashville và Louisville, nơi mọi đơn hàng đều sẽ phải được đặt và thanh toán trước trên ứng dụng.
Gần đây nhất, chuỗi cửa hàng cà phê số 1 toàn cầu Starbucks, cũng đã mở địa điểm đầu tiên tại Mỹ mang tên Starbucks Pickup, chuyên phục vụ đặt hàng online - một chiến lược được tập đoàn này học tập từ đối thủ tại Trung Quốc là Luckin Coffee.
Dù có đủ nguồn lực cho hệ thống giao hàng riêng, nhiều chuỗi nhà hàng lớn vẫn chấp nhận hợp tác với những dịch vụ bên thứ 3. Chẳng hạn tại Mỹ, McDonald’s bắt tay với UberEats – mảng giao đồ ăn của dịch vụ gọi xe hàng đầu thế giới Uber, hay ứng dụng GrubHub được đầu tư bởi Yum Brand – công ty mẹ của các thương hiệu Pizza Hut & KFC.
Những "nhà hàng ảo" chỉ sống nhờ vào ứng dụng
Năm ngoái, lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến đã tiến sát mốc 1 tỷ người dùng, cùng doanh thu lên đến 35 tỷ USD vào năm ngoái – con số mà giới nhà hàng chắc chắn không muốn đứng ngoài.
Thị trường ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu: Số lượng người dùng: 971 triệu Tổng doanh thu 2018: 35 tỷ USD Dự báo doanh thu 2030: 365 tỷ USD (Nguồn: UBS, Statista) |
Nhưng trong khi tận dụng lượng khách hàng lớn từ mảng thị trường này, thì các chủ nhà hàng cũng phải đương đầu với thách thức, đó là việc lợi nhuận bị chính lĩnh vực này "ăn mòn". Một thống kê tại Mỹ của Nhật báo Phố Wall chỉ ra rằng, với bữa ăn có giá khoảng 30 USD, thì nhà hàng có thể thu về lợi nhuận lên đến gần 70%. Nhưng nếu đặt qua ứng dụng bên thứ 3, thì lợi nhuận sẽ chỉ còn khoảng 39%, do phải chi lại cho ứng dụng phần phí giao hàng, trong khi lại mất thêm công đóng gói.
Lợi nhuận trên mỗi bữa ăn có thể giảm đến gần một nửa khi đặt qua ứng dụng.
Điều này có thể gây tổn hại đến các nhà hàng trong dài hạn, đặc biệt là những cái tên quy mô nhỏ. Bởi vậy mà cắt giảm tối đa việc phục vụ bàn thông thường, để tập trung cho giao hàng đã bắt đầu được quan tâm như một phương thức giữ chi phí thấp.
Ricky Lopez, bếp trưởng và người điều hành nhà hàng Top Round Roast Beef tại San Francisco, Mỹ là một nhân vật nhanh nhạy như vậy. Lopez đồng thời sở hữu thêm 3 "nhà hàng" khác chuyên chế biến các món gà, bánh hamburger và đồ tráng miệng – nhưng thực ra, tất cả đều được chế biến trong bếp chính của Top Round. Chúng đều là những nhà hàng ảo, chỉ hiện diện trên các app giao đồ ăn như UberEats.
Hơn 4000 nhà hàng tại Mỹ chỉ có thể tìm thấy trên các app giao đồ ăn.
Ngoài tiết giảm chi phí, vị bếp trưởng cũng đưa ra một lý do khác cho việc mở thêm nhà hàng "ảo": đó là mỗi cái tên sẽ chỉ tập trung cho một mảng ẩm thực chính. Khi khách hàng tìm kiếm món yêu thích trên ứng dụng, dù là bò, gà hay burger, thì sẽ có một thương hiệu của Lopez sẽ hiện lên trong danh sách, nghĩa là khả năng tiếp cận khách hàng, từ 1 đã tăng lên gấp 4 lần. Không ngạc nhiên khi 75% doanh thu nhà hàng của ông hiện đến từ mảng giao hàng, tăng từ mức 25% chỉ 1 năm trước đó.
Hiện có khoảng 4000 nhà hàng "ảo" như thế này đang được đăng ký trên các ứng dụng đặt hàng tại Mỹ, sử dụng chung nguồn lực với các nhà hàng truyền thống. Tuy nhiên ở châu Á, hoạt động nhà hàng "ảo" còn đi xa hơn nữa, đó là "nhà hàng ma", thậm chí không sở hữu nhà hàng vật lý mà chỉ đi thuê nguồn lực dựa trên các bếp chia sẻ.
Sự trỗi dậy của các bếp chia sẻ
Là một dịch vụ kinh tế chia sẻ hoàn toàn mới, chỉ để phục vụ hoạt động giao đồ ăn, nhưng bếp chia sẻ hay "bếp trung tâm" đã lập tức phát triển vũ bão. Panda Selected, start-up tự quảng cáo là "WeWork cho các nhà hàng" của Trung Quốc, đã mở đến hơn 120 khu bếp chia sẻ chỉ trong vòng 3 năm hoạt động, hợp tác với hơn 800 thương hiệu.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc, nơi những dịch vụ bếp chia sẻ đã thu hút khoảng 1000 chủ nhà hàng nhỏ tham gia. Còn tại Mỹ, dù chỉ vừa tham gia thị trường start-up, bếp chia sẻ CloudKitchen của cựu CEO Uber – Travis Kalanick, cũng vừa huy động tới 400 triệu USD từ một quỹ đầu tư Saudi Arabia.
Start-up bếp chia sẻ Panda Selected hiện có tới 800 đối tác nhà hàng tại Trung Quốc
Không chỉ mang tới nguồn lực với chi phí tương đối thấp, các bếp chia sẻ cũng được đánh giá là hướng đi tốt hỗ trợ khởi nghiệp, nhờ có cộng đồng đông đảo và được sự tư vấn tích cực về marketing hay định vị thị trường. Các dịch vụ giao đồ ăn cũng hưởng lợi nhờ việc giảm thời gian chờ lấy và giao hàng. Chẳng hạn như tại Đông Nam Á, Grab cho biết đã giảm 1/5 thời gian chờ đợi cho khách hàng, từ khi bắt đầu triển khai mảng bếp chia sẻ.
Trong thời đại 4.0, khi mà các ứng dụng giao đồ ăn ngày càng được ưa chuộng, thì mối quan hệ giữa thực khách và các nhà hàng đã thay đổi hoàn toàn. Và do đó, không ngạc nhiên khi các chủ nhà hàng từ lớn đến nhỏ đều đang phải chạy đua, tìm kiếm một chỗ đứng trong chiếc điện thoại của mỗi khách hàng.
(Nguồn: Tổng hợp từ Reuters, New York Times và WSJ)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!