Ngắt sóng truyền hình analog từ 15/6: Những ai bị ảnh hưởng?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/06/2016 12:15 GMT+7

VTV.vn - Ngắt sóng truyền hình analog tại 3 thành phố lớn từ 15/6, những ai bị ảnh hưởng? là một trong những tin tức đáng chú ý trên các báo sáng nay (14/6).

* Từ ngày 15/6, 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ sẽ ngừng phủ sóng 7 kênh truyền hình phát sóng công nghệ tương tự mặt đất (truyền hình analog).

Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, tại Hà Nội, lộ trình số hóa truyền hình sẽ được thực hiện theo hai bước: Từ 15/6, sẽ ngừng 3 kênh truyền hình là H2, VTV6 và VTC9. Đến ngày 15/8, sẽ cắt toàn bộ các kênh analog để chuyển sang truyền hình số.

Tính đến thời điểm này, các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn thành phố đã nhận được sự hỗ trợ chuyển đổi sang truyền hình số hóa. Mỗi hộ dân thuộc diện đối tượng hỗ trợ sẽ được lắp đặt một đầu thu miễn phí với nguồn kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Trước đó, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội đã lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách để hỗ trợ.

* Trong thời gian gần đây, tình trạng một bộ phận thanh niên có thái độ thụ động, ỷ lại, lười lao động chân tay, đòi hỏi thụ hưởng vượt quá mức độ cống hiến, được nhắc đến nhiều trên một số phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn. Mục Bình luận và Phê phán trên báo Nhân dân số ra hôm nay (14/6) đặt câu hỏi: Phải chăng một thế hệ thanh niên lười biếng đang dần hình thành?

Ở một số gia đình (nhất là gia đình ở đô thị), hình ảnh cô cậu học sinh dù thể chất cao lớn vẫn được bố mẹ "cơm bưng nước rót" ngày càng phổ biến. Hệ lụy của sự nuông chiều ấy đang hiện hình và phát tác trong xã hội qua các hiện tượng tiêu cực như: trẻ em bỏ nhà lang thang vì bố mẹ không mua iPhone, đòi gia đình mua xe SH mới đi học,...

Theo báo Nhân dân, nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thì thanh niên Việt Nam sẽ không thể đánh mất mình trong sự lười biếng, ỷ lại, chỉ biết hưởng thụ mà không quan tâm cống hiến.

* Theo báo Đại biểu Nhân dân, mối quan hệ ngầm, không minh bạch, rõ ràng đang gây cho kinh tế đất nước bao hệ lụy. Vì vậy, ngăn chặn những mối quan hệ ngầm trong bộ máy các cơ quan Nhà nước cũng là chặn lại những hiểm họa khôn lường cho đất nước.

* Tờ Năng lượng mới có bài viết: Chiếc xe ô tô và phẩm giá cán bộ. Theo bài báo, cái sai trong vụ việc chiếc xe của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tự tiện gắn biển xanh thì đã rõ nhưng chuyện xe công và sử dụng xe công mới là điều đáng nói.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, hiện nay, cả nước có gần 40.000 xe công. Mỗi năm, chi phí để "nuôi" xe công ngốn mất khoảng 12.800 tỷ đồng. Trong đó, việc sử dụng sai mục đích xe công diễn ra khá phổ biến.

* Sau thông tin cá chết ở miền Trung, mới nhất là sự việc cơ quan liên ngành tỉnh Quảng Trị đã tiến hành niêm phong và xử lý hơn 25 tấn cá nục có chứa chất Phenol (chất cấm trong sản xuất thực phẩm) khiến người tiêu dùng lo lắng. Tuy vậy, theo tìm hiểu của các phóng viên báo Lao động Thủ đô, thị trường hải sản có trầm lắng nhưng không quá đáng lo.

Qua tìm hiểu của phóng viên, mặt hàng giảm sút nhiều nhất là hàng đông lạnh. Song đối với sản phẩm tươi sống, người tiêu dùng vẫn có nhu cầu cao với hải sản tươi sống, đặc biệt là hải sản có nguồn gốc rõ ràng.

* Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã thông qua kế hoạch mở đợt "tổng tấn công" tình trạng sản xuất kinh doanh trái phép và lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo triển khai đồng bộ, nhiều đơn vị từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, với mục tiêu là thanh, kiểm tra không sót hộ nào, không thiếu một cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc nào.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước