Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

PV (Tổng hợp)-Thứ sáu, ngày 25/05/2018 06:43 GMT+7

Ảnh: VGP

VTV.vn - Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 25/5 và sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Trong phiên thảo luận này, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tại buổi thảo luận, các thành viên Chính phủ cũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.


Tái cơ cấu nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 cái nhất. Theo đó, dù đang phải đối mặt với những "thách thức lớn nhất" (biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu,...) nhưng được "sự quan tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị", qua đó ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cả về tái cơ cấu, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp...

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại như các đại biểu Quốc hội đã nêu như: Tính liên kết 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương cấp làng xã) chưa cao; khâu chế biến còn yếu dù thời gian qua chúng ta đã hành động tích cực; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập (bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa); yếu về thị trường (thị trường hết sức bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu, chưa tổ chức được thị trường trong nước...);... đồng thời cho biết, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để từng bước tháo gỡ khó khăn trong những khâu "yết hầu" nêu trên để đưa lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết, 19 tiêu chí đều được chỉnh sửa theo hướng nâng cao chất lượng cả về đời sống kinh tế, thúc đẩy sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, bảo vệ môi trường... đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu quốc hội đề ra.  

Để không còn bất an, bất ổn, cú sốc văn hóa

Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về thành tựu to lớn về KT-XH... đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, cùng với tín hiệu mừng vẫn còn nhiều nỗi lo. Đó là xã hội còn nhiều bất an, bất ổn, cú sốc văn hóa. Những giả dối, lừa đảo như hàng giả, bằng giả, thực phẩm giả… đang làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và quốc tế. Sự thiếu hiểu biết về thói quen, hành vi vô văn hóa trong giao thông, kinh doanh… đã gây ra thiệt hại, tổn thất to lớn cả về vật chất, uy tín của đất nước.

"Câu chuyện rau hai luống, lợn hai chuồng - là đạo đức làm người, văn hóa kinh doanh. Nhuộm cà phê bằng pin không chỉ là lợi nhuận, kinh tế mà còn là tội phạm, chứ không phải con người. Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng đầu độc cả đồng bào mình", chỉ ra thực tế này, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đặt câu hỏi: Nguyên nhân sâu xa có phải do văn hóa con người, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông, văn hóa công sở của chúng ta còn có nhiều bất cập? Những vấn đề chúng ta phải chỉ ra giải quyết bằng văn hóa, thông qua văn hóa không?

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội). Ảnh ĐBND

Để giải quyết những vấn đề đặt ra, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt Văn kiện Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, thể thao, tiếp tục nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao, tiếp tục chỉ đạo đầu tư nhân lực, vật lực, trí lực vào văn hóa, thể thao.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có chương trình hành động cụ thể về văn hóa, thể thao trong thời kỳ mới, nhằm làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, vì sự bình an của xã hội, vì hạnh phúc sức khỏe, vật chất tinh thần của nhân dân.

Trong phiên thảo luận chiều 25/5, đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình); Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa), Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)... bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao những kết quả ấn tượng đã đạt được về KT-XH, cũng như sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thực hiện... 

Nêu lên một số tồn tại, hạn chế hiện nay, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi; đề nghị giải quyết căn bản vấn đề di dân tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện; rà soát tình hình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công; ưu tiên vốn cho các tỉnh nghèo để đầu tư các dự án an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, chính sách dân tộc; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý chặt tài sản công, đất công; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp xử lý tro xỉ các dự án nhiệt điện; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản... 

*/Trong phiên thảo luận sáng 25/5, có 25 đại biểu phát biểu; 4 đại biểu phát biểu tranh luận. Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả toàn diện về KT-XH đã đạt được trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Các đại biểu cho rằng bức tranh kinh tế đất nước rất sáng và đáng mừng, những kết quả đạt được là hết sức ấn tượng và đáng trân trọng, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thành công các mục tiêu KT-XH đề ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tranh luận chuyện 'tăng trưởng phụ thuộc dầu thô'

Khẳng định "Chính phủ đã quyết tâm rất cao, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao điều hành chỉ đạo, nhưng ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề.Đó là nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm, thêm 1,29 triệu tấn, thì chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. Đúng như báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô". 

Năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch, nhưng chỉ bằng 93,6% của năm 2016. Tuy nhiên, một triệu tấn dầu thô đóng góp khoảng 0,2 - 0,3 vào tăng trưởng. Và nếu không có 1,29 triệu tấn dầu tăng thêm thì tăng trưởng chỉ đạt mức 6,4 - 6,6%. Như vậy, "tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nền kinh tế không được như kỳ vọng và bù đắp bằng khai thác thêm dầu thô. 

Đây là khoảng lặng tăng trưởng năm 2017", ĐB Hoàng Quang Hàm nói.

Tranh luận và làm rõ thêm ý kiến cho rằng tăng trưởng năm 2017 phụ thuộc vào khai thác khai khoáng, dầu thô, than đá, ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) dẫn chứng: Tại phụ lục số 1 của Báo cáo đánh giá  bổ sung về kết quả phát triển KT-XH năm 2017 và những tháng tháng đầu năm 2018 của Chính phủ nêu rõ, trong năm 2016 khai thác dầu thô lên đến 15,2 triệu tấn, kế hoạch năm 2017 chỉ là 13,27 triệu tấn, còn thực hiện chỉ đến 13,55 triệu tấn. Như vậy, so với kế hoạch năm 2017 đã khai thác tăng, còn so với năm 2016 khai thác hụt 1,64 triệu tấn. Với dầu thô, khi khai thác một triệu tấn sẽ tương đương 0,25 điểm tăng trưởng, nên nếu so với năm 2016, tăng trưởng từ dầu thô âm khoảng 0,25 điểm.

Tương tự, với than, năm 2016, khai thác 38,735 nghìn tấn, kế hoạch năm 2017 khai thác đến 40 nghìn tấn, song thực khai thác cũng khoảng số lượng than khai thác như năm trước đó. Như vậy, so với kế hoạch, khai thác than hụt khoảng 2 triệu tấn, mà khai thác 1 triệu tấn than tương đương 0,14 điểm tăng trưởng, nên số than khai thác giảm này tương đương giảm 0,2 điểm tăng trưởng. Do đó, "có thể nói, so với năm 2016, công nghiệp sản xuất xi măng, khai thác dầu, than trong năm 2017 đều giảm". 

Cho rằng nếu đánh giá tăng trưởng năm 2017 dựa vào khai khoáng, dầu thô, xi măng là không thỏa đáng, ĐB Trần Quang Chiểu khẳng định: "Điểm ấn tượng với điều hành của Chính phủ trong năm 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên và khai khoáng".Tranh luận lại với ý kiến của ĐB Trần Quang Chiểu, ĐB Hoàng Quang Hàm một lần nữa khẳng định: "Tôi đánh giá rất cao của Chính phủ chúng ta thoát dần lệ thuộc dầu thô. Tuy nhiên, mong muốn là trong bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất. Bởi lẽ tăng trưởng dầu thô thì nó là khai thác tài nguyên, không xuất phát từ sản xuất, kinh doanh".

Giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn

Đánh giá kết quả đạt được ở góc nhìn tổng thể hơn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)nhận định: "Kết quả tích cực đạt được cũng thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, sâu sát cơ sở, tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi gợi sự năng động của thị trường từ Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời minh chứng vai trò của Chính phủ kiến tạo và hành động, kiên quyết tháo gỡ những ách tắc về thể chế để guồng máy vận hành minh bạch".

Đương nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ĐB Phạm Văn Hòa, thì "vẫn còn một số hạn chế cần tập trung tháo gỡ". Một trong số đó là "các vụ giải cứu nông sản năm nào cũng tái diễn". Theo đó, "giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải, khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản".

"Tại sao có nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách giải cứu nông sản, mà không bàn cách không giải cứu nông sản - đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong tiến trình cơ cấu ngành nông nghiệp", ĐB Phạm Văn Hòa hỏi.

Để không còn "nền nông nghiệp giải cứu", "nông nghiệp từ thiện", ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, "cần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới xây dựng ngành hàng nông sản". Tuy nhiên, "việc chuyển tư duy này không phải một vài mùa vụ, hay tự phát ở nơi riêng lẻ, một vài địa phương tự phát triển khai, mà cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường". Muốn vậy, "cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng, mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và phát triển thị trường", ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất.

Nhiều ý kiến đóng góp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, cho rằng KT-XH đất nước thời gian qua đã đạt được các kết quả toàn diện và hết sức tích cực khi GDP tăng cao nhất trong 10 năm qua; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả ấn tượng... để đạt được kết quả này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp...

Đại biểu góp ý một số giải pháp nhằm nâng cao đạo đức xã hội, bảo đảm nghiêm minh kỷ cương, phép nước, đề nghị Chính phủ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, những hành vi mất nhân tính, vấn nạn hàng giả... xảy ra thời gian qua như: Làm thuốc chữa ung thư bằng than tre, bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, các vụ án giết người dã man xảy ra trong thời gian qua...

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An. Ảnh: QH

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ tán thành cao với báo cáo KT-XH của Chính phủ, cho rằng những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và những tháng đầu năm là hết sức đáng trân trọng. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm đánh giá về một số nội dung: Hiệu quả chính sách, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, để qua đó có định hướng hoàn thiện chính sách.Đại biểu cũng góp ý một số nội dung về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số địa phương vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; một số vấn đề liên quan đến chuyển nguồn vốn đầu tư công; nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư; huy động nguồn lực ODA; vấn đề tiếp dân và xử lý đơn thư...

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về KTXH, cho rằng báo cáo  có chiều sâu, số liệu đầy đủ, thuyết phục; khẳng định bức tranh KTXH năm qua rất sáng, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Dẫn chứng các số liệu tăng trưởng về xuất khẩu, đầu tư trong lĩnh vực công, nông, ngư nghiệp... đại biểu góp ý một số nội dung nhằm phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trực tiếp: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bình Định. Ảnh: QH

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH năm 2017 và những tháng đầu năm, qua đó khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao. Đồng thời đại biểu góp ý một số nội dung về xây dựng thể chế. Lấy ví dụ về văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đấu giá biển số xe đẹp, đại biểu đề nghị khi xây dựng Nghị định, Thông tư cần tiếp tục lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhằm cụ thể hóa các quy định của luật, tránh tình trạng luật quy định rộng, nhưng đến văn bản dưới luật lại co hẹp lại...

GDP tăng cao nhất 10 năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc

Trước đó, tại phiên khai mạc sáng 21/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Báo cáo cho thấy, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Một trong những "điểm sáng" của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%)…

Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà…

Báo cáo cũng cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm); vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP… Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay. 

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn và thách thức. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do nhiều nguyên nhân. Giải ngân vốn đầu tư từ NSNN 4 tháng mới đạt 16,4% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương khó khăn; kỷ luật tài chính - NSNN có nơi chưa nghiêm. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ và đội vốn. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nơi còn bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý nhà, đất, phải xử lý hình sự. Việc quản lý, kiểm soát các hoạt động thanh toán qua mạng, chuyển tiền còn bất cập.

Hôm nay (24/5), Quốc hội thảo luận về Luật Tố cáo Hôm nay (24/5), Quốc hội thảo luận về Luật Tố cáo Quy định giao đất 99 năm tại đặc khu “đốt nóng” nghị trường Quốc hội Quy định giao đất 99 năm tại đặc khu “đốt nóng” nghị trường Quốc hội Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi liên quan đến quy hoạch Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi liên quan đến quy hoạch

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước