Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Trong ngày lễ Vu Lan, những người có mẹ còn sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và những người mẹ đã mất sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát. Việc phân biệt màu sắc hoa này cón có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc là phải biết trân trọng những gì mình đang có (cha, mẹ, người thân) và nhắc nhở mỗi người phải luôn ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Ảnh: VTV News)
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày nay, lễ Vu Lan của Phật giáo và đạo hiếu của dân tộc Việt Nam đã hòa quyện với nhau trở thành ngày lễ Vu Lan báo hiếu với nhiều giá trị tốt đẹp.
“Ngày lễ Vu Lan báo hiếu gợi nhắc con người ta phải uống nước nhớ nguồn, nhớ tới sự hy sinh của những người đi trước đã xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, để chúng ta có một cuộc sống yên bình hôm nay.
Thứ hai, ngày lễ cũng nhắc nhở chúng ta phải có hiếu hạnh với cha mẹ, nếu cha mẹ đã mất thì nên cầu siêu cho cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sống phải luôn ý thức thường xuyên chăm lo cho cha mẹ”.
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, việc báo hiếu với cha mẹ, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn là việc cần làm thường xuyên, chứ không chỉ trong tháng lễ Vu Lan. Tuy nhiên, đây là dịp nhắc nhớ để mỗi người, có thể xao lãng, trở về với những giá trị tốt đẹp trong truyền thống đạo hiếu của dân tộc.
Người dân đội mưa dự lễ Vu Lan tại chùa Phúc Khánh (Ảnh: VTV News)
Để phát huy hết ý nghĩa của ngày này, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng khuyên các gia đình không nên đốt nhiều vàng mã, gây tốn kém, lãng phí. “Nhiều người bỏ hàng chục triệu để đốt vãng mã, gây lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường; nên dùng tiền đó để việc thiện, giúp đỡ những người còn khó khăn. Việc làm tốt đẹp sẽ đem lại những điều lành cho người thực hiện”, thầy Thích Thanh Nhiễu khuyên.
Với quan niệm “tháng cô hồn” thường đưa đến những điều rủi cho mọi người, thầy Thích Thanh Nhiễu cũng đưa ra lời khuyên, mọi người cứ tiến hành công việc bình thường.
“Đạo Phật có quan niệm nhân quả, nếu mình làm điều lành, mình sẽ được hưởng quả ngọt, nếu làm điều xấu thì nhận phải điều không hay. Vì thế mọi người cứ làm công việc thường ngày bình thường, kể cả trong tháng 7”.