Nghệ An chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Thúy Vinh - Mai Thanh-Thứ sáu, ngày 14/02/2014 00:00 GMT+7

Nghệ An là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn, với địa bàn phức tạp, dân cư đông nên công tác phòng chống là giải pháp quan trọng để hạn chế tối đa sự thâm nhập của dịch bệnh nguy hiểm cúm A/H5N1.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Bá Hùng - xóm 4 xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên hiện có 6.000 con gà, có những thời gian cao điểm trang trại của ông nuôi đến 10.000 con gia cầm.

Được biết, trang trại của ông Hùng được thành lập cách đây hơn 10 năm. Điều đó cũng có nghĩa là chủ trang trại đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, nên khi dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát thì những kiến thức được tích lũy bấy lâu này đã được ông Hùng đưa ra sử dụng.

“Theo tôi để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả nhất thiết phải tuân thủ các kỹ thuật trong chăn nuôi và tiêm phòng là vấn đề quan trọng nhất”, ông Hùng cho hay.

‘ Tiêm phòng đầy đủ cho gia cầm và luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là một trong những biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm (Ảnh: VTV Online)

Vấn đề quan trọng nhất trong phòng chống dịch cho gia cầm là tiêm phòng, đó là khẳng định của các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 16 triệu con gia cầm chỉ có khoảng 1/3 số đó được nuôi tập trung trong các trang trại, số còn lại đều được nuôi nhỏ lẻ trong các nông hộ.

Chăn nuôi nhỏ lẻ đồng nghĩa với sự đầu tư ít và công tác phòng chống dịch bệnh cũng ít được người dân quan tâm. Hơn nữa từ năm 2011 nhà nước không còn hỗ trợ vaccine phòng chống cúm gia cầm, nên việc tiêm phòng trong các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không được thực hiện. Vì thế công tác thú y đang gặp rất nhiều khó khăn.

So với chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm có tính ổn định trong đầu ra hơn và hiện chăn nuôi gia cầm vẫn đang có lãi. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm lại dễ xảy ra dịch bệnh.Đặc biệt,thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh xuất hiện và bùng phát.

Mặc dù năm 2014 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm. Vì thế nguy cơ bùng phát tại chỗ và lây lan do quá trình vận chuyển lưu thông gia cầm là rất cao. Phòng chống vẫn đang là giải pháp mà ngành thú y đưa ra trong công tác chống dịch cúm gia cầm.

Trong tháng 1/2014 cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, cả 2 trường hợp đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh. Trước nguy cơ dịch bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Hơn ai hết mỗi người dân cần phải tự bảo vệ minh bằng cách không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh, đối với người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ cho gia cầm và luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Quý vị có thể theo dõi nội dung chi tiết qua VIDEO dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước