Nghề giúp việc: Cần có chính sách quản lý

Quý Thông-Thứ sáu, ngày 18/01/2013 15:07 GMT+7

Giúp việc cũng cần được công nhận là một nghề. (Ảnh minh họa)

Với sự phát triển của xã hội, hiện nay người giúp việc đang gia tăng nhiều ở các đô thị. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa công nhận đây là một nghề trong xã hội, chưa có những chính sách quản lý và hỗ trợ.

Chính việc chưa xem giúp việc gia đình là một nghề nên người giúp việc còn nhiều khó khăn trong cuộc sống và bị phân biệt đối xử.

Hiện nay, số lượng lao động giúp việc ngày càng nhiều và sự cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Có những phụ nữ từ các tỉnh xuống Hà Nội hàng tháng trời nhưng vẫn không tìm được công việc cho mình. Lý do là chưa đáp ứng được những yêu cầu của người tuyển dụng.

Anh Đặng Trung Hải, Giám đốc Công ty phát triển Nông nghiệp và nông thôn, Giới thiệu việc làm, cho biết: "Lượng người lao động ra thành phố rất đông, tuy nhiên số người có kỹ năng, nhanh nhẹn, khéo một chút và đáp ứng được nhu cầu của chủ tuyển dụng là không nhiều. Bởi người lao động chưa coi giúp việc là một nghề, nên họ chưa chú tâm vào việc học tập, rèn luyện kỹ năng cho mình".

Cũng cần nhìn nhận thực tế trong quá trình phỏng vấn ứng viên, nhiều người cho rằng giúp việc không phải là nghề. Chính tâm lý này khiến những người giúp việc chỉ làm theo ngẫu hứng, không chú trọng đến năng lực, không được huấn luyện bài bản về các kỹ năng cần thiết.

Tại trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, do số lượng người lao động giúp việc ngoại tỉnh vào thành phố ngày càng gia tăng nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

"Lao động giúp việc gia đình không như các ngành nghề khác. Họ không được đào tạo, không được hưởng chính sách như những ngành nghề khác. Lao động giúp việc không được ký hợp đồng lao động, nên không có cơ quan nào có thể quản lý được họ. Cùng với đó là không được hưởng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, nói chung là bị thiệt thòi về mọi mặt", chị Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết.

Trên thực tế, người lao động giúp việc hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự quan tâm từ các cấp chính quyền, sẽ khó có thể cải thiện được tình hình.

Những mong muốn của người lao động hiện nay, cũng chỉ là những điều thiết yếu đáp ứng cuộc sống của họ.

Chị Lê Thị Vân ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ: "Cũng mong muốn nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ cho chúng tôi những lúc ốm đau như bảo hiểm y tế, đồng lương không được đảm bảo".

Chị Phạm Thị Dịu, Mù Cang Chải, Yên Bái mong muốn: "Tôi mong muốn được nhà nước quan tâm đến chúng tôi, có sự hỗ trợ về kinh phí để ổn định cuộc sống, chủ lao động quan tâm hơn và không được ngược đãi chúng tôi".

Chị Phạm Thị Mai quê Hưng Yên lên Hà Nội đi làm giúp việc từ hơn 11 năm nay. Với mức thu nhập trên dưới ba triệu đồng một tháng, chị phải lo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ, được chủ nuôi ăn ở, xem ra nhẹ nhàng hơn công việc đồng áng nặng nhọc ở quê. Nhiều phụ nữ nông thôn như chị Mai đã chọn nghề này khi lên thành phố.

Giúp việc nhà là một việc khá nhạy cảm, vì dù muốn hay không người lao động cũng bị đối xử không công bằng.

Chị Mai chia sẻ: "Làm công việc này không có gì phải mặc cảm. Quan trọng mình làm việc chân chính và kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình".

Những người lao động giúp việc có được công việc ổn định như chị Mai bây giờ không nhiều, họ cũng khó có được sự chuyên cần và chăm chỉ như chị. Để được như vậy mỗi người lao động đầu tiên phải biết coi trọng công việc của mình.

Nếu coi giúp việc là nghề, thì điều quan trọng sẽ thay đổi nhận thức của xã hội về công việc nội trợ, coi làm việc nhà cũng là lao động. Từ đó lao động gia đình có giá trị không kém gì việc đi làm có lương, kinh doanh, sản xuất.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước