Không những vậy, khu vực này lại không có bờ kè bảo vệ, nên mỗi khi triều cường và sóng biển dâng cao cuộc sống người dân lại bị đảo lộn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Hơn một tháng nay, chưa đêm nào gia đình bà Suôn ngon giấc. Chứng kiến những căn nhà khác lần lượt bị sạt lở cuốn đi, bà rất lo sợ. Tuy nhiên do không có điều kiện nên cả gia đình đành chấp nhận bám biển.
Khu tái định cư Bồ Đề, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn có 70 hộ dân. Đây là một trong những điểm bị sạt lở nghiêm trọng từ đầu năm đến nay tại Cà Mau. Cách nhà bà Suôn chỉ vài bước chân, một số hộ đã bỏ đi nơi khác do lo ngại sạt lở. Tuy nhiên, số đó lại không nhiều.
"Với địa bàn xã ven biển đặc biệt khó khăn thì tình hình sạt lở như vậy sẽ gây khó cho địa phương" - ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, Năm Căn, Cà Mau, cho biết.
Nhiều cánh rừng phòng hộ hiện đã không còn phát huy tác dụng trước sạt lở, thậm chí là biến mất. Một số căn nhà chỉ còn là đống đổ nát. Theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Tam Giang Đông, từ năm 2007 - 2014, đã có 260 ha rừng phòng hộ bị sạt lở.
Trước kia khu vực này có rất nhiều hộ dân sinh sống. Phía ngoài là một đoạn bờ bao kiên cố. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ bờ bao và căn nhà đã trong tình trạng sạt lở.
Khu vực ven biển Đông của tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 100 km, trong đó theo thống kê, 80% đã bị sạt lở. Hiện có 10 km đang bị sạt lở với mức độ cực kỳ nguy hiểm. Nếu không sớm có những giải pháp thì chỗ vui chơi còn lại của những đứa trẻ cũng có thể sẽ biến mất trong nay mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!