Trong bối cảnh đất nước đang phát triển rất cần nguồn năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống người dân, các nhà máy thủy điện có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng ồ ạt nhiều công trình thủy điện nhưng lại không làm tốt công tác quản lý quy hoạch một cách đồng bộ, đã dẫn đến những hệ lụy khó lường về môi trường và đời sống dân sinh.
Quảng Nam là địa phương có hệ thống thủy điện bậc thang dày đặc. Không phủ nhận những đóng góp của các công trình này cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, song người dân sống gần khu vực các công trình thủy điện cũng gánh chịu nhiều tác động tiêu cực, do cách làm tắc trách của một số chủ đầu tư và cả sự thiếu sâu sát của chính quyền địa phương. Có thể kể đến như công trình thủy điện A Vương Thượng nằm trên địa bàn huyện Tây Giang. Thủy điện này tích nước mà chưa được sự đồng ý của địa phương khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng thêm khó.
Trong hầu hết các trường hợp, trước khi triển khai các dự án thủy điện, chủ đầu tư luôn cam kết rằng, người dân trong vùng bị ảnh hưởng sẽ được bố trí tái định cư, cuộc sống nơi ở mới sẽ khang trang, ổn định hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhiều năm sống tại các khu tái định cư, ngoài những hạn chế trong cách bố trí dân cư, người dân phải đối mặt với nỗi lo lớn nhất là thiếu đất sản xuất.
Một hệ lụy khác mà các công trình thủy điện để lại là làm diện tích rừng bị thu hẹp. Khi tích nước, vùng lòng hồ rộng lớn hàng trăm ngàn hecta sẽ bị ngập. Không thể tính hết số lượng gỗ được cấp phép tận thu trong diện tích lòng hộ thủy điện lớn như vậy và cũng không thể lường hết tình trạng, lâm tặc tận dụng hồ thủy điện để vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ rừng về xuôi.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.