Khu rừng này từng là điểm dừng chân quan trọng của bộ đội và dân công trên đường hành quân từ chiến khu Việt Bắc lên Điện Biên Phủ và cũng là nơi mà ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ chỉ huy chiến dịch đã dừng lại đóng quân. Sau 60 năm, cánh rừng vẫn đang được người dân địa phương bảo vệ nguyên vẹn để bày tỏ lòng biết ơn đối với cách mạng và tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Việc bảo vệ “rừng ông Giáp” được đồng bào người Mường ở đây coi là một nghĩa vụ linh thiêng và được quy định trong hương ước của cả hai bản Mường là Nhọt 1 và Nhọt 2.
‘ Con đường nhỏ dẫn vào rừng đã quá quen thuộc với ông Tiến suốt 18 năm qua (Ảnh: Tuổi trẻ)
Là một người đã có thâm niên 18 năm trực tiếp canh giữ cánh rừng, mỗi lần đi thăm rừng ông Đinh Quyết Tiến - bản Nhọt 1, xã Gia Phù, đều mang theo một nắm nhang để thắp cho những dân công và bộ đội đã hi sinh ở đây. Và vừa qua, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông cũng đã thắp thêm một nén nhang dành cho người vừa mới khuất tại khu rừng này.
“Tôi rất xúc động và cảm thấy hụt hẫng vì nghe tin bác Giáp đã qua đời. Anh em tôi hứa sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, không quản ngại trèo đèo lội suối để bảo vệ cánh rừng mà bác đã từng đi qua để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Tiến chia sẻ.
Khu “rừng ông Giáp” nay đã được tỉnh Sơn La công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Chính quyền địa phương nơi đây mong muốn di tích này có thể được nâng cấp thành di tích lịch sử cấp quốc gia để nhiều người có thể biết đến. Còn đối với ông Đinh Quyết Tiến, dù mức trợ cấp cho việc canh giữ 200ha rừng chỉ khoảng 3 triệu đồng một năm, song ông khẳng định ông và người dân trong bản vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này để tỏ lòng biết ơn đối với Đại tướng.
Hơn nửa thế kỉ trôi qua, những người dân ở bản Nhọt xã Gia Phù, vẫn canh giữ cánh rừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một cách để bày tỏ lòng biết ơn và cũng là một cách lưu giữ những kỉ niệm, đón đợi người xưa trở về...