Hậu Giang là địa phương đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ổ dịch mới nhất đã bị tiêu hủy vào chiều 14/5. Cả 3 ổ dịch đều chưa qua 30 ngày, nghĩa là còn trong giai đoạn có nguy cơ lây lan rất cao.
Đàn lợn khoảng 120 con của ông Đặng Văn Na (xã Đông Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang) hiện chỉ còn một vài con. Một số con khác chết từ vài ngày trước đã được đem chôn. Ban đầu, lợn nóng sốt, bỏ ăn rồi lăn ra chết.
Tuy nhiên, ở 2 ổ dịch trước đó trên địa bàn huyện Châu Thành A và Vị Thủy, người chăn nuôi chỉ báo tin cho ngành chức năng sau 3 ngày tự điều trị cho đàn lợn. Theo Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân là do những biểu hiện ban đầu của dịch tả lợn châu Phi rất giống với các bệnh khác nên dễ nhầm lẫn nhưng cũng không loại trừ tâm lý giấu dịch.
Tuy không lây sang người nhưng dịch tả lợn châu Phi lại gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Hiện nay, công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh ở Hậu Giang cũng còn khó khăn do phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Dịch tả lợn châu Phi không có vaccine phòng ngừa và cũng chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, khi nghi ngờ bệnh, người dân cần báo ngay với ngành chức năng ở địa phương nhằm hạn chế thiệt hại và tránh được những diễn biến phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!