Tuyên truyền, nhắc nhở và sẵn sàng hỗ trợ nếu các phương tiện gặp sự cố khu lưu thông qua cầu vượt sông là nhiệm vụ của Trạm điều tiết chống va trôi khu vực cầu Long Biên. Với thuyền trưởng Trần Thanh Xuân (tàu HN - 1787) dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm sông nước nhưng đây thực sự là điều cần thiết.
"Đèn hệ thống báo hiệu chưa thể đầy đủ nên tầm nhìn xa bị hạn chế khiến việc điều khiển tàu không thể an toàn", anh Xuân cho biết.
Cầu Long biên là một trong những cây cầu có khoang thông thuyền (khoảng cách giữa 2 trụ cầu) hẹp và vào mùa lũ chiều cao từ mặt nước đến thành cầu thấp. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn khá cao, nhất là vào ban đêm.
Trên các tuyến đường thủy có hơn 650 cầu vượt sông nhưng trong đó có 251 cầu khoang thông thuyền không đạt tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường thủy nội địa. Ban đêm khu vực gầm cầu chỉ được chiếu sáng nhờ hệ thống đèn trên cầu đường bộ.
Nguy cơ xảy ra tai nạn giữa phương tiện đường thủy với công trình vượt sông luôn tiềm ẩn nhất là vào ban đêm.
Dù Luật Đường thủy đã quy định ban đêm tàu thuyền lưu thông theo đèn hiệu nhưng khi khoang thông thuyền nhỏ hẹp và hạn chế về chiếu sáng, đã khiến các trụ cầu vô tình trở thành những cái bẫy tai nạn.
Ông Phan Quốc Hùng - Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 6 nói: "Ngoài hệ thống đèn tín hiệu, cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu về luật cần bổ sung hệ thống chiếu sáng vào các trụ cầu. Qua đó, các phương tiện thủy hành trình vào ban đêm có thể nhận biết bằng mắt thường về trụ cầu, để có biện pháp phòng ngừa tránh va chạm, đảm bảo an toàn giao thông hơn".
Hiện ngày càng có nhiều phương tiện thủy có kích thước, trọng tải lớn tham gia lưu thông. Với những cầu yếu lại có dòng nước xoáy, chảy siết như cầu Đuống chỉ có hệ thống đèn tín hiệu là chưa đủ. Vì vậy, nguy cơ phương tiện thủy đâm va vào trụ cầu do tầm nhìn hạn chế có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!