Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết với gần 20.000 trường hợp. Ảnh minh họa
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Giao ban phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại UBND TP Hà Nội vào chiều 24/8, tính đến hết ngày 23/08/2017, Việt Nam đã ghi nhận 99.647 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 trường hợp tử vong.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 23/08/2017, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Các đơn vị có số trường hợp mắc sốt xuất huyết cộng dồn cao gồm các quận/huyện: Hoàng Mai (3.221), Đống Đa (3.121), Hai Bà Trưng (1.816), Thanh Xuân (1.607), Hà Đông (1.306), Cầu Giấy (1.248), Thanh Trì (1.131), Ba Đình (1.039), Nam Từ Liêm (725), Thanh Oai (669), Thường Tín (482), Hoàn Kiếm (479).
Như vậy, với số liệu thống kê trên, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang phức tạp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, dù số ca mắc có xu hướng chững lại nhưng chưa có dấu hiệu nào khẳng định đã kiểm soát được. Vì thế, vị Thứ thưởng Bộ Y tế đề xuất: "Lãnh đạo thành phố đã rất sát sao, chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết nhưng các cấp quận/ huyện hay phường/xã cũng phải tích cực hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch".
Hội nghị trực tuyến Giao ban phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại UBND TP Hà Nội với sự tham dự của các lãnh đạo quận/huyện ở các điểm cầu và các cơ quan hữu quan.
Chủ trì Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các lãnh đạo quận/huyện báo cáo tình hình và yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng đưa ra nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cầm nói: "Dịch sốt xuất huyết năm nay trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, đến sớm hơn 3 tháng so với chu kỳ 30 năm qua. 30 năm qua, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, 10, 11 nhưng năm nay lại rơi vào tháng 7". Nhận định về nguyên nhân gây ra tình trạng số ca bệnh sốt xuất huyết năm nay tăng cao, ông Nguyễn Nhật Cầm cho hay: "Mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết năm nay cao bất thường, tăng 2-3 lần so với năm ngoái. Tỷ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy trước đây chỉ 30% nhưng năm nay nhiều nơi là 80%, thậm chí có nơi lên tới 90%. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, năm nay do biến đổi khí hậu nên quần thể muỗi phát triển vô cùng mạnh mẽ".
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cầm
Đồng tình với Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng và coi đây là nguyên nhân đầu tiên tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác định, công tác dự báo tình hình, công tác phối hợp giữa Trung tâm Y tế dự phòng với các đơn vị nghiệp vụ khác để xác định các địa điểm phát sinh dịch bệnh, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh… là chưa tốt.
"Bộ Y tế cho biết, năm nay sốt xuất huyết có thêm thể hoàn toàn mới. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ cần phối hợp để xác định mầm bệnh và các yếu tố mới này nhưng lại vào cuộc muộn. Cuối tháng 6, Trung tâm Y tế dự phòng mới tổ chức các hội nghị truyền thông thay vì tháng 1. Đáng lẽ phải vào cuộc ngay từ sau Tết Âm lịch, phải quyết liệt ngay từ đầu. Trách nhiệm này thuộc về Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội.
Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế Hà Nội kết hợp với các cơ quan Y tế thế giới trên địa bàn để nhận thấy các nước xung quanh ở Đông Nam Á, châu Á cũng có diễn biến bất thường để sớm truyền thông. Tuy nhiên, chúng ta đã chủ quan, tuyên truyền muộn do nghĩ tháng 9 mới là đỉnh dịch như mọi năm. Thực chất ca đầu tiên mắc bệnh là từ tháng 1 năm nay", Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ ra các nguyên nhân khiến Hà Nội có số ca nhiễm sốt xuất huyết cao nhất cả nước và chỉ đạo hướng khắc phục.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân thứ hai là do được thông báo muộn nên sự vào cuộc của các cấp cơ sở chưa quyết liệt trong khâu diệt bọ gậy và phun thuốc, có nơi còn chủ quan nên số ổ dịch tăng.
"Nguyên nhân thứ ba liên quan tới công tác phân loại khám chữa bệnh khi người bệnh vào bệnh viện chưa được thực hiện triệt để. Tất cả các bệnh nhân từ đầu cho vào nằm viện hết trong khi có thể khám bệnh, xét nghiệm máu để kịp thời phân loại trường hợp cần phải nằm viện, trường hợp có thể điều trị ngoại trú. Lúc tâm điểm của bệnh sốt xuất huyết xảy ra, việc phân loại ở các bệnh viện là chưa tốt. Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các Giám đốc bệnh viên, khi đó mới vào cuộc và phân loại tốt hơn", ông Nguyễn Đức Chung nhận định.
Sau khi xác định nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự báo, hiện thời tiết có diễn biến bất thường, tháng 7 Âm lịch mưa ngâu nên dễ tạo điều kiện bọ gậy, loăng quăng phát triển. Ngoài ra, đầu tháng 9 Dương lịch tới, hơn 1,8 triệu học sinh và sinh viên tựu trường nên việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt ở các khu trọ đông người, thiếu vệ sinh sẽ là những nguyên nhân có thể khiến số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nếu còn tình trạng lơ là, mất cảnh giác.
"Tôi yêu cầu quán triệt đầy đủ nội dung thông báo của Thường vụ Thành ủy tới tận từng tổ dân phố thực hiện đúng chỉ đạo của Thành ủy. Lãnh đạo các phường/xã, quận/huyện phải chịu trách nhiệm liên quan tới công tác tuyên truyền, tổ chức phòng dich, diệt bọ gậy tại địa phương; quán triệt nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị để giảm ngay số trường hợp nhiễm sốt xuất huyết trong thời gian tới", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.