Ai quản lý cây xanh trong trường học: Nhập nhằng câu trả lời!

Đông Khánh-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 20:22 GMT+7

VTV.vn - Trường học phải chịu trách nhiệm về cây trong sân trường nhưng lại không được tự quyết việc chặt bỏ. Nhiều câu hỏi đang đặt ra với bài toán quản lý cây xanh.

Việc cây phượng ngã đổ trong sân trường khiến 18 em học sinh thương vong taị TP.HCM đã để lộ nhiều rắc rối trong việc quản lý cây xanh trường học. Các thầy cô cho rằng không đủ chuyên môn để có thể biết được các cây trong trường có an toàn hay không. 

Trong khi đó, Sở Xây dựng cho rằng, khuôn viên nhà trường thì trách nhiệm thuộc nhà trường. Thậm chí, có trường hợp khiến bài toán quản lý cây xanh càng nan giải hơn khi gốc cây ở ngoài trường, còn tán cây thì ở trong trường.

Cùng nằm trong diện tích đất sử dụng của trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) nhưng 11 cây cổ thụ lại có 2 nơi quản lý bởi chúng cách nhau một bức tường. Cạnh đó, hàng cây ba người ôm mới hết cũng chịu cảnh tương tự.

Ai quản lý cây xanh trong trường học: Nhập nhằng câu trả lời! - Ảnh 1.

Những gốc cây to đều có phần tán nằm trong khuôn viên nhà trường nhưng trường không có quyền quản lý bởi phần gốc lại nằm bên ngoài. Không quản lý, nhưng nếu chẳng may xảy ra tai nạn, người chịu ảnh hưởng cuối cùng không ai khác lại chính là thầy trò nơi đây.

Thầy giáo Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du cho biết: "Giờ phải có văn bản rõ ràng, trong khuôn viên trường thì phải được xử lý. Lâu nay, muốn mé, muốn đốn đều phải xin phép, đâu thể làm".

Theo thầy giáo Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, mỗi năm 2 lần, trường phải chi hàng chục triệu thuê công ty cây xanh đến thẩm định. Mọi thứ đều được kết luận bình thường cho đến khi xảy ra tai nạn tại trường THCS Bạch Đằng.

"Cây phượng của trường bị bọng bên trong, cây bàng quá nghiêng, người ta đề xuất nên xử lý triệt để" - thầy Phú cho hay.

Ai quản lý cây xanh trong trường học: Nhập nhằng câu trả lời! - Ảnh 2.

Không có chuyên môn về cây xanh nhưng phải quản lý hơn 10 cây lớn, để đúng quy trình, trường này cũng phải thuê công ty cây xanh đến thẩm định. Thế nhưng, với cây phượng đã rỗng ruột, muốn đốn hạ, trường lại phải xin phép Sở Xây dựng. Khi nào Sở đồng ý, trường lại một lần nữa thuê công ty cây xanh đốn hạ. Mỗi giai đoạn lại là mỗi lần chờ thế nên mùa mưa đã tới, cây phượng vẫn còn đứng trơ trơ.

Tại buổi họp báo ngày 26/5, khi được hỏi về trách nhiệm quản lý cây xanh, các bên vẫn chưa thống nhất. Ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) nói, cây nằm trong khuôn viên trường do nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng. Cơ quan này cùng UBND quận huyện chỉ quản lý cây trên đường phố.

Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lại cho rằng: "Cây nào an toàn, cây nào rễ chùm rễ cọc, cơ quan chuyên môn mới biết được. Quản lý vấn đề này thuộc Sở Xây dựng".

Về góc nhìn chuyên gia, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM cho rằng: "Đổ cây nói tại các thầy cô cũng rất khó. Các thầy cô đi dạy, không phải là người đi quản lý cây xanh, cũng không phải là kỹ thuật viên nên không biết về cây xanh. Phải bổ sung thêm chức năng, phải thay đổi, phải sự phối hợp giữa nhà trường với cơ quan chức năng.

Làm giáo dục nhưng phải quản lý cây xanh, đốn hạ chỉ là giải pháp tức thời. Khi những rối rắm trong việc quản lý cây xanh vẫn còn thì vấn đề an toàn để các em đi học mùa mưa bão vẫn bỏ ngỏ.

Cây xanh đô thị: Không phải cứ thích là trồng! Cây xanh đô thị: Không phải cứ thích là trồng!

VTV.vn - Các cây xanh trồng cho khu vực đô thị có quy chuẩn và cách chăm sóc riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước