Một hình ảnh đang làm nóng dư luận trong những ngày qua, đó là chữ viết "A Hào" trên một phiến đá tại di tích cổ Yonago ở tỉnh Tottori, Nhật Bản. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng đã có những nghi vấn dòng chữ này xuất phát từ một người Việt. Những hành vi xâm hại di tích như vậy không chỉ được các nhà văn hóa, các chuyên gia lịch sử, khảo cổ quan tâm mà còn là câu chuyện khiến bất kỳ ai có ý thức đều thấy bất bình.
Trong khi đó, trên những bức tường tại Cột cờ Hà Nội, hình vẽ, tên người thuộc đủ ngôn ngữ chi chít. Nhiều khách tham quan khi đến đây đã vô tư ghi dấu ấn của riêng mình bằng bút, phấn thậm chí còn dùng dao khắc sâu lên di tích lịch sử. Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn vẽ bậy.
Tỉnh TT - Huế nổi tiếng là nơi có nhiều di tích, bảo vật quốc gia, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều di tích tại đây cũng đang bị xâm phạm khi không ít người vô ý thức đã dùng mọi cách để viết, vẽ bậy lên đây. Mới đây, những hình ảnh các di tích, bảo vật tại tỉnh TT - Huế bị vẽ bậy đã được nhiều báo, trang tin điện tử đăng tải, khiến nhiều người không khỏi xót xa, thậm chí phẫn nộ.
Ở Việt Nam, theo quy định hành vi bôi bẩn lên di tích lịch sử, văn hóa sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có vụ việc xâm hại di tích nào được xử lý triệt để, đủ sức răn đe. Do đó, những di tích vẫn tiếp tục bị bôi bẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!