Theo thống kê, năm 2018, trên địa bàn Hà Nội chỉ có 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Tuy nhiên, thực tế có tới 4.367 xe 3 bánh tự chế đang lưu hành (trong đó chỉ có 780 trường hợp thương, bệnh binh, người khuyết tật, còn lại 3.587 trường hợp khác).
Trước đó, từ năm 2013, TP Hà Nội đã cấm các loại xe 3 bánh tự chế, xe 3 tự chế bánh chở khách và hàng hóa hoạt động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường bộ trong khu vực đông dân cư thuộc địa phận thành phố. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với xe 3 bánh của thương binh. Hiện tại, Hà Nội chưa cấm triệt để xe 3 bánh do thương binh sử dụng.
Thay vào đó, TP xây dựng lộ trình quản lý xe 3 bánh, hỗ trợ tài chính để thương binh chuyển từ xe 3 bánh sang các phương tiện, ngành nghề khác, tiến tới loại bỏ hẳn phương tiện này trong tương lai. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, lộ trình vẫn là lộ trình, vẫn chưa thấy những giải pháp quyết liệt, khả thi từ phía cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho thương binh chạy xe mưu sinh đã kéo theo sự phát triển tràn lan của các loại hình xe 3 bánh giả danh thương binh, chở hàng cồng kềnh trên phố gây mất an toàn giao thông.
Sở GTVT vừa báo cáo UBND TP Hà Nội về công tác quản lý hoạt động xe ba bánh trên địa bàn. Văn bản do ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT ký nêu rõ, trên cơ sở dữ liệu về hiện trạng, độ tuổi của thương binh, bệnh binh sử dụng xe 3 bánh tự chế tham gia kinh doanh vận tải, phần lớn các thương binh, bệnh binh có độ tuổi từ 60 trở lên, việc trực tiếp điều khiển xe 3 bánh kinh doanh vận tải là không nhiều. Phần lớn lái xe loại này là các đối tượng giả danh thương binh, chở hàng cồng kềnh, chở hàng quá khổ, gây mất ATGT.
Trước thực trạng này, mới đây, một lần nữa Sở GTVT Hà Nội lại đề xuất thành phố rà soát số lượng cơ sở sản xuất, lắp ráp, cải tạo xe cơ giới dùng cho người tàn tật trên địa bàn; kiểm tra, xử lý đối với vi phạm của cơ sở sản xuất, lắp ráp, cải tạo xe cơ giới dùng cho người khuyết tật và xe 3 bánh không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Sở GTVT này cũng đề nghị Công an thành phố xây dựng quy chế trách nhiệm của lực lượng công an, TTGT, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan khi để tồn tại, tái diễn tình trạng xe 3 bánh giả danh xe thương binh hoạt động vận chuyển hàng hóa gây mất trật tự, ATGT; lập tổ công tác liên ngành kiểm tra xe 3 bánh giả danh xe thương binh, xe tự chế, các phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh; tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe môtô, xe gắn máy, xe 3 bánh dùng kinh doanh vận chuyển người và hàng hóa.
UBND các quận, huyện, thị xã sẽ nghiên cứu chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sử dụng và thu hút nhiều lao động là thương binh, bệnh binh và con em thương binh vào làm việc tạo nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống. Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất địa điểm tại cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố cho doanh nghiệp thương binh thuê đất để sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tạo điều kiện không tiếp tục sử dụng xe 3 bánh, chuyển đổi nghề và tham mưu các chính sách ưu đãi, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!