Quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được đồng bào Kinh, Tày, Nùng, Dao trồng trên các lân, lũng, núi cao. Trái quýt khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, là món quà quý theo chân người xứ Lạng khi đi xa. Thậm chí, ngay cả trong những năm tháng khó khăn nhất, quýt Bắc Sơn đã từng được xuất sang Liên Xô cũ. Giờ đây, có nhãn hiệu tập thể, trái quýt Bắc Sơn sẽ có nhiều cơ hội mới, tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít khó khăn, thách thức cho bà con nông dân.
Là một trong những hộ đồng bào Tày đầu tiên đem cây quýt từ các đỉnh núi cao về trồng ngay dưới chân núi cách đây hơn chục năm, rồi lại tiên phong trong việc áp dụng VietGAP, nhưng nhìn vào vườn quýt hơn 1ha đang độ chín, ông Dương Hữu Đoan (xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn) vẫn đầy trăn trở vì đã vào vụ thu hoạch được cả tháng nhưng vẫn chưa có thương lái nào vào vườn thu mua hoặc nếu có thì cũng chỉ hỏi mua với giá rất thấp.
Không chỉ 17 hộ dân với 60ha quýt VietGAP của HTX nông nghiệp Nam Hồng lo lắng mà hiện tại ,gần như toàn bộ người trồng quýt ở toàn huyện vẫn đang phải tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Có thời điểm, giá mỗi kg quýt loại 1 vào khoảng 35.000-40.000 đồng, cao gấp đôi so với quýt thường. Còn bây giờ, những hộ trồng quýt như chị Bùi Hồng Điệp (xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn) mong được một nửa giá đó cũng là tốt rồi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!