Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án vì đã mạo danh các nhà khoa học trong danh sách tham gia dự án, khiến dư luận hết sức bất bình.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài viết "Mạo danh trong khoa học: Không thể có kết quả tốt". Với việc 3 nhà khoa học bị mạo danh trong dự án, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mạo danh là gian dối và đặc biệt trong khoa học, mạo danh có tác hại rất lớn cho sự phát triển của xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đúng là có việc đơn vị tư vấn mạo danh một số nhà khoa học, tuy nhiên, sau khi kiểm chứng lại các nội dung, số liệu báo cáo trong hồ sơ, có thể khẳng định số liệu đúng thực tế, không có nội dung, số liệu ngụy tạo.
Tờ Tuổi trẻ khẳng định, có lỗ hổng trách nhiệm trong công tác thực hiện và phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và 8 nhà khoa học đã có mặt tại vị trí nạo vét của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 để thị sát, đánh giá các tác động có thể xảy ra của hoạt động nhận chìm ở biển. Các nhà khoa học cũng đã làm việc với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và Hiệp hội tôm Bình Thuận.
Sau khi đi thị sát, trả lời báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tái khẳng định lại quan điểm việc cấp giấy phép nhận chìm mới chỉ là khâu chuẩn bị, chưa phải là giao biển cho doanh nghiệp để nhận chìm ngay.
Cũng theo tờ Tuổi trẻ, có hai điều kiện, thứ nhất là giấy phép nhận chìm, thứ hai là phải được giao khu vực biển thì mới được nhận chìm. Tuy nhiên, với bước thứ hai về giao biển nhận chìm, hiện nay Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vào tận nơi để đánh giá lại toàn diện, vì vậy việc giao biển phải đợi sau khi có kết quả của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành đánh giá toàn diện tác động môi trường liên quan đến dự án này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang đã đánh giá sơ bộ hiện trạng nền đáy khu vực 30 ha dự kiến nhận chìm vật chất từ nạo vét luồng tàu. Theo đó, địa hình đáy khu vực này khá bằng phẳng với độ sâu khoảng 35m với các sinh vật đáy khá nghèo nàn. Phân tích sơ bộ mẫu trầm tích cũng cho thấy thành phần vật liệu trầm tích đáy biển là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật. Hiện tại, dư luận đang rất hy vọng, với chỉ đạo của Phó Thủ tướng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, những băn khoăn của dư luận về dự án nhận chìm vật chất xuống biển Bình Thuận sẽ sớm kết thúc với những phương án vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!