Câu chuyện về truy xuất nguồn gốc thịt lợn lại nóng trên nhiều tờ báo trong tuần qua, bắt đầu từ việc TP.HCM kiên quyết không cho phép thịt lợn không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập vào hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, dù đã có nhiều tiểu thương phản đối dữ dội ngay ngày đầu thực hiện.
Trước những bức xúc về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được báo chí và dư luận phản ánh lâu nay, chủ trương này của TP.HCM là đúng đắn. Người dân không thể nhắm mắt đưa những sản phẩm không rõ nguồn gốc vào bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, rõ ràng, chủ trương này đang gặp những khó khăn không nhỏ.
Theo tờ Lao động, việc thực hiện đề án gặp vướng mắc do một số thương nhân, thương lái chưa tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, ngại đầu tư thêm thiết bị vì sợ tốn kém chi phí. Trong khi đó, theo phản ánh của Người lao động, sau khi lợn được mổ xong, rất ít chủ hàng cập nhật thông tin chi tiết trên hệ thống. Một số xe chở thịt lợn từ Bình Tân chuyển đi các cơ sở đầu mối không có niêm phong, vòng màu trắng theo quy định của đề án. Khi chủ hàng không cập nhật trên hệ thống điểm đến tiếp theo của lô thịt, lực lượng thú y sẽ không có cách nào kích hoạt được.
Trước thực tế số thịt lợn vào chợ có tỉ lệ thông tin truy xuất quá thấp, chỉ từ 0 – 6%, lãnh đạo chợ đầu mối Bình Điền cho biết nguồn lợn về chợ chủ yếu từ các hộ nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh miền Tây. Họ không có hoặc thậm chí không biết mã code gắn cho lợn, không mua được vòng nhận diện để đeo cho lợn. Đã có không ít người lợi dụng điều này để trục lợi.
Theo báo Thanh niên, đã có những thương lái về miền Tây gom lợn từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng lại mua vòng kích hoạt ở miền Đông Nam Bộ để đeo cho lợn rồi đem đi mổ bán. Thế nên, có không ít lợn nuôi ở miền Tây Nam Bộ lại được gắn mác xuất xứ từ miền Đông Nam Bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!