Nữ PGS trẻ nhất Việt Nam chia sẻ về phương pháp giảng dạy

Kim Ngân-Thứ tư, ngày 20/11/2013 09:56 GMT+7

Nói tới phương pháp giảng dạy, PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, vị PGS trẻ nhất 2013 chia sẻ: Điều quan trọng nhất là cần tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhu cầu của người học.

Ngày 18/11, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 571 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chuyên mục Gõ cửa ngày mới đã có cuộc gặp gỡ với nữ nhà giáo vừa được phong tặng chức danh PGS ở tuổi 32, cô là nữ PGS trẻ nhất năm 2013 - Cô giáo Nguyễn Ngọc Lưu Ly, Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp, Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội.

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly là thành viên của dòng họ Nguyễn Lân, dòng họ có truyền thống học thuật được đông đảo người dân biết tới. PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu năm 2009. Hiện tại, cô vừa làm công tác giảng dạy, vừa là Phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp.

Không chỉ thành công trong khoa học, chị còn có một gia đình hạnh phúc và tràn đầy mơ ước, dự định cho con đường nghiên cứu trong tương lai.

‘ PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly trao đổi trong chuyên mục Gõ cửa ngày mới. (Ảnh: VTV News)

PV: Thưa PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, được biết chuyên ngành hẹp mà PGS nghiên cứu là Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Pháp, điều gì đã khiến chị đến với con đường nghiên cứu này?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Ở trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu nên con đường nghiên cứu đã đến với tôi rất tự nhiên. Tôi có ông nội là NGND Nguyễn Lân, có các bác đi theo con đường khoa học như bác Lân Tuất, bác Lân Dũng, bác Lân Cường, bác Lân Hùng, bác Lân Tráng, bác Lân Việt rồi tới ba tôi là PGS TS Nguyễn Lân Trung. Tuy nhiên, không phải do gia đình, sự khiên cưỡng hay do ba mẹ áp đặt mà do chính bản thân tôi đã lựa chọn con đường nghiên cứu cho mình.

Tôi có một may mắn là được giữ lại giảng dạy tại khoa tiếng Pháp - trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội nên có rất nhiều cơ hội tốt để giảng dạy, nghiên cứu và mang những kết quả trong nghiên cứu phục vụ lại việc giảng dạy.

PV: Đối với phương pháp giảng dạy ĐH hiện nay, không khỏi có những trăn trở về việc tăng tính chủ động của sinh viên trong việc tiếp thu bài giảng. Là một giảng viên cũng là người nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, PGS có suy nghĩ gì về vấn đề này?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Bản thân phương pháp giảng dạy, tôi nghĩ tôi cũng chỉ là một hạt cát trong biển kiến thức, là người dạy học tôi sẽ cung cấp những kiến thức mà các em cần, cố gắng điều chỉnh các phương pháp giảng dạy của tôi sao cho phù hợp với nhu cầu của các em. Đặc biệt, cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, có đổi mới phương pháp giảng dạy mới có thể tạo nên những bước tiến vững chắc, từ đó có thêm những kết quả nghiên cứu khoa học tại chỗ và thích ứng với nhu cầu của người học. Cần phải làm sao để việc học và việc nghiên cứu luôn luôn tương hỗ, hỗ trợ nhau.

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly bên gia đình. (Ảnh: Tiền Phong)

PV: PGS có chia sẻ rằng đã có rất nhiều may mắn để có thể có được những thành tựu nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi nghĩ để có được số lượng công trình nghiên cứu cũng như để đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy, đặc biệt ở tuổi 32 trẻ như PGS, PGS đã phải cố gắng và nỗ lực rất lớn. Xin PGS có thể chia sẻ những phương pháp riêng để có thể hoàn thành được khối lượng công việc lớn như vậy?

PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Đối với công việc nghiên cứu, tôi đã chia nội dung công việc thành những mốc nhỏ hơn. Đối với yêu cầu làm luận án trong vòng 3 năm hay 5 năm, tôi đã chia ra những mục tiêu nhỏ hơn, tháng này làm được gì, tháng sau làm được gì, 6 tháng nữa sẽ làm được việc gì… như vậy, bản thân sẽ luôn luôn cảm thấy vui vẻ. Tháng này làm tốt được công việc, tháng sau làm tốt công việc… sẽ khiến cho kế hoạch dài hạn được đảm bảo, bên cạnh đó vẫn khiến tinh thần thoải mái. Tránh để những mục tiêu quá lớn, quá khó mà chia nhỏ chúng ra, từ đó áp lực sẽ giảm đi.

PV: Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu của PGS, tôi nghĩ PGS đã định hình rất rõ ràng hướng đi sắp tới cho mình rồi phải không?
PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly:
Mong muốn của tôi là những nghiên cứu ngày càng mang tính liên ngành, một ngành nghề mà chỉ bó gọn trong những nghiên cứu của ngành nghề đó, khả năng phục vụ cuộc sống sẽ ít hơn. Nếu các ngành nghề phối hợp được với nhau, ví dụ ngành ngôn ngữ học Pháp với kinh tế và du lịch thì việc phục vụ cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly, chúc PGS sẽ có thêm nhiều thành công mới trên con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chuyên mục Gõ cửa ngày mới để theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên VTV với PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước