Nước uống đóng chai, đóng bình có đảm bảo an toàn?

Minh Đức-Thứ tư, ngày 16/10/2019 14:34 GMT+7

VTV.vn -Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi chọn mua nước đóng chai nên kiểm tra thân vỏ có tem nhãn đầy đủ theo quy định, nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Người dân vẫn cần tự biết bảo về mình

Theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện trên địa bàn TP Hà Nội đang có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền. Các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp thường xuyên tiến hành kiểm tra các cơ sở này, tập trung nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực tham gia quá trình sản xuất, hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành lấy mẫu nước tại nơi sản xuất và mẫu nước lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho biết, điều kiện để đảm bảo an toàn cho một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình hay đá viên là cơ sở vật chất phải tuân thủ theo quy trình khép kín, một chiều, hệ thống lọc phải bảo đảm công năng loại bỏ được toàn bộ vi khuẩn và kim loại nặng không cần thiết trong nước. Công nhân tham gia vào quy trình sản xuất phải bảo đảm sức khỏe, kiến thức và tuân thủ các điều kiện, quy định về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, cơ sở phải luôn luôn vận hành quy trình nguồn nước, quy trình hệ thống lọc tuân thủ dung lượng nhất định theo quy định của nhà sản xuất của thiết bị đó.

Ngoài ra, khi qua hệ thống đóng chai, sang chiết phải là môi trường vô trùng, bảo đảm được trang bị đèn tiệt trùng, công nhân đi vào đó phải đủ bảo hộ an toàn, vệ sinh lao động cần thiết. Sau mỗi lần kết thúc quá trình đóng chai như vậy cần vệ sinh phòng, bật đèn cực tím để khử khuẩn. Nếu tuân thủ đúng quy trình như trên thì sản phẩm sản xuất ra sẽ bảo đảm an toàn.

Trong năm 2018 đã có 416 số cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai trên địa bàn TP được thanh tra, kiểm tra. Qua đó có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa; 98 cơ sở vi phạm; đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động của 7 cơ sở. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…

Được biết, nhiều cơ sở khi kiểm tra nguồn nước đạt tiêu chuẩn nhưng do vệ sinh bình, chai đóng nước không sạch dẫn đến sản phẩm bị nhiễm khuẩn. Nhiều loại bình, chai lớn thường được tái sử dụng thường có tỉ lệ không đảm bảo chất lượng cao hơn.

Trước nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai tăng cao trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra hình thể bên ngoài của sản phẩm trước khi mua sử dụng. Vỏ bình phải còn mới, không bị bẩn, méo, thủng... Kiểm tra trên thân vỏ có tem nhãn đầy đủ theo quy định hay không, đặc biệt là những thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Công tác kiểm tra còn nhiều khó khăn, quy định chưa cụ thể

Tuy nhiên hiện nay công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai còn nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hoặc khi cơ sở thôi không hoạt động nữa không có báo về phía cơ quan quản lý hoặc cơ sở trong quá trình sản xuất thử cũng không có báo cáo.

Nhiều cơ sở qua theo dõi thấy đã ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng không thông báo, không làm thủ tục giải thể nên trong danh sách quản lý của TP vẫn còn. Một số cơ sở thông báo ngừng hoạt động, đoàn kiểm tra của quận và phường đã nhiều lần đến nhưng đều đóng cửa, không liên lạc được với chủ cơ sở, vì vậy không kiểm tra, xác minh được thực tế có ngừng hoạt động không.

Một thực tế là nhiều cơ quan, đơn vị, trường học... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm. Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành bằng nhiều cách như: Sử dụng nước giếng khoan thay cho sử dụng nước máy; hệ thống xử lý nước thô sơ; công nghệ xúc rửa bình đơn giản không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công rất khó bảo đảm các điều kiện về ATVSTP; nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo ATVSTP; một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình; chính quyền cơ sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm...

Cùng đó còn nhiều vấn đề tồn tại như: Việc tái sử dụng, bỏ bình, nhiều vỏ bình để lâu có rêu mốc, xước gây nước không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Nhân viên các cơ sở thường xuyên thay đổi, không nắm được các quy định về sản xuất. Hàng năm, số cơ sở kiểm tra cần kiểm tra của Thanh tra Sở lớn; số tiền xử phạt không cao do giá trị hàng hóa thấp; việc thu hồi sản phẩm khó khăn, không kịp thời, vì cần thời gian kiểm nghiệm.

Hiện nay việc cấp phép còn dễ dàng đặc biệt là phiếu kiểm nghiệm (liên quan đến việc quy cách lấy mẫu, gửi mẫu mà DN thực hiện không đúng quy định; thậm chí còn giả mẫu) điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Công tác hậu kiểm sau cấp phép còn lơi lỏng nên dẫn đến phép nước bị coi thường và các việc làm tùy tiện của DN.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ quản lý về chất lượng khi chưa có quy định rõ ràng về quy trình khép kín, hay diện tích tối thiểu trong khu vực sản xuất bao nhiêu là đủ. Chính vì thế mà các cơ sở nhỏ lẻ bố trí thiết kế một cách tự do gây khó khăn cho các nhà quản lý. Trong công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa có quy định phương pháp cũng như hóa chất xử lý ở công đoạn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước