Dù nhiều giải pháp được thực thi nhằm giảm thiểu tình trạng này, nhưng ô nhiễm bụi vẫn đang tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân đô thị. Khí thải từ xe cơ giới, phát thải công nghiệp, đặc biệt mật độ dày đặc các công trình xây dựng là nguyên nhân của tình trạng này.
Ghi nhận tại khu vực gần chân cầu Thăng Long, Hà Nội, hàng trăm chiếc xe chở đất, đá, cát sỏi đều vận chuyển mà không được che chắn cẩn thận, rơi vãi trên đường.
Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, khí thải từ các phương tiện xe cơ giới, bụi bay mù mịt. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đây là một trong những nơi thường xuyên có chất lượng không khí ở mức thấp nhất trên địa bàn thành phố. Chưa biết hiệu quả che chắn bụi đến đâu, nhưng từ người lớn đến trẻ nhỏ, việc đeo khẩu trang kín mít khi đi đường đang là biện pháp phần lớn người dân áp dụng để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
Còn tại TP.HCM, nhiều thời điểm, tình trạng ô nhiễm không khí cũng ở ngưỡng đáng báo động. Khí thải từ các phương tiện xe cơ giới và đặc biệt, khí thải từ gần 1.000 máy máy, xí nghiệp quy mô lớn thải ra mỗi ngày đã khiến không khí tại đây nhiều thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng.
Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ về số người tử vong do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí. Những số liệu này khiến các ngành chức năng phải suy nghĩ để có giải pháp mạnh tay trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!