Hiện có hơn 90% trong tổng số hơn 1.000 hộ dân tại thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đang làm nghề tái chế nhựa. Bình quân mỗi ngày có một số lượng chất thải nhựa khổng lồ (ước tính khoảng hơn 1.000 tấn) được thu mua từ nhiều nơi và tập kết về đây. Làng nghề này hoạt động với quy mô rất lớn nhưng việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vẫn đang bế tắc.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hoa làm nghề tái chế nhựa gần 20 năm nay. Mỗi ngày, gia đình chị tái chế gần 2 tấn nhựa phế thải thành hạt nhựa. Nhựa phế thải bao gồm đủ loại từ bao bì, nilon, đồ dùng nhựa gia đình... được thu mua từ khắp nơi.
Sau khi phân loại, xúc rửa thủ công, chất thải được đưa vào nung chảy để tái chế thành hạt nhựa bán cho các cơ sở sản xuất túi nilon và các sản phẩm nhựa. Nước thải trong quá trình sản xuất, tái chế nhựa đều được xả thẳng ra cống thoát nước chung của thôn. Mặt khác, khí thải trong quá trình nung chảy, tái chế nhựa, nilon không được xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
"Ở đâu bây giờ cũng ô nhiễm nhưng vì cuộc sống vẫn phải làm, không bỏ được", chị Hoa bộc bạch.
Một nỗ lực trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhựa Minh Khai đó là cách đây gần 10 năm, huyện Văn Lâm đã xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh khai với diện tích 11ha, có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, cụm công nghiệp này chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 140 cơ sở tái chế nhựa, chiếm 10% hộ dân làm nghề; 90% còn lại vẫn đang hoạt động xen lẫn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nhưng cơ quan chức năng không xử lý.
Hiện nay, huyện Văn Lâm đang mở rộng giai đoạn 2 Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai. Tuy nhiên, nếu đi vào hoạt động vào cuối năm nay, giai đoạn 2 cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% cơ sở sản xuất. Trong khi đó, nhiều cơ sở tái chế nhựa nằm xen lẫn trong khu dân cư đang ngày càng mở rộng quy mô tái chế nhựa nhưng không hề có biện pháp xử lý môi trường, tiếp tục gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!