Sân bay Tân Sơn Nhất ở TP.HCM quá tải từ mặt đất lên đến cả trên trời. Khu vực ra vào sân bay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, còn trên không thì nhiều chuyến bay thậm chí phải bay lòng vòng cả tiếng để chờ được hạ cánh. Thực trạng này đang gây ra những bức xúc cho người dân.
Sau chuyến đi thị sát và làm việc với các Bộ, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân TP.HCM ngày 11/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng và TP.HCM thực hiện các giải pháp trước mắt và dài hạn để giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất, vừa phải nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế các chuyến bay chờ trên trời, nhưng vẫn phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải quy hoạch lại vùng bay, đường bay, sớm xây dựng nhà ga bổ sung công suất 10 triệu hành khách. Còn trước mắt, để giảm ùn tắc tại các tuyến đường bộ kết nối xung quanh nhà ga, TP.HCM cần phân luồng giao thông hợp lý, hoàn thiện các tuyến đường ra - vào cả hai tuyến kết nối sân bay. Và việc này phải hoàn thiện trong tháng 8. Cục hàng không cho biết, sẽ giảm tần suất các chuyến bay vào giờ cao điểm.
Trong lúc chờ xây dựng sân bay Long Thành, việc giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trở nên cấp bách. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ sớm bàn giao 21,3 ha đất sân đỗ quân sự cho dân dụng, nâng vị trí đỗ tàu bay lên 90- 100 vị trí thay vì 50-51 chỗ như hiện nay, qua đó có thể nâng công suất phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách/năm.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - cho biết: "Việc triển khai các giải pháp giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ là giải pháp trước mắt, còn việc cấp thiết là phải xây Long Thành".
Ngành hàng không hiện đang trong giai đoạn phát triển nóng, tăng trưởng trên 25%/năm. Tân Sơn Nhất chiếm tới 40% sản lượng hành khách trên cả nước. Ùn tắc nghiêm trọng không chỉ kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế của TP.HCM, mà còn liên đới ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế đất nước. Đó là chưa kể đến sự lãng phí hàng triệu đô không đáng có mà các hãng hàng không phải gánh chịu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.