Ông Nguyễn Văn Cảnh nói gì về việc mình thăng tiến "thần tốc"?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 28/04/2017 09:01 GMT+7

VTV.vn - "Ông Nguyễn Văn Cảnh nói gì về việc mình thăng tiến 'thần tốc'?" là nhan đề bài viết đáng chú ý trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh sáng nay (28/4).

*Liên quan đến vụ việc Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Văn Cảnh thăng tiến thần tốc, thậm chí nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh này - ông Tô Tử Thanh - đã ví ông Nguyễn Văn Cảnh như một Thánh Gióng trong tổ chức cán bộ, chỉ chưa đầy 6 tháng từ chủ một doanh nghiệp tư nhân đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Định,

Trả lời báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, ông Nguyễn Văn Cảnh nói rằng việc ông thăng tiến nhanh là do tổ chức phân công, bản thân ông chỉ thực hiện theo sự phân công của tổ chức. Hồ sơ thủ tục của ông là do tổ chức làm, bản thân có bằng cấp gì thì nộp, còn về đánh giá năng lực thì do tổ chức đánh giá.

*Báo Lao động hôm nay đã sử dụng từ "cai sữa" để ví von các đơn vị sự nghiệp công lập khi chuẩn bị triển khai cơ chế tự chủ. Và khi 55.000 đơn vị sự nghiệp công lập tiến hành cai sữa, sẽ giảm chi cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng phí dịch vụ công về y tế, giáo dục, văn hóa có thể tăng.

Tờ báo phân tích, nếu giá dịch vụ tăng thì chất lượng dịch vụ sẽ tốt lên, người dân sẽ đỡ phải mất chi phí bôi trơn, cơ chế tự chủ là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải có biện pháp để bảo đảm cho người nghèo vẫn được hưởng các dịch vụ công.

*Theo tờ Đầu tư hôm nay, hầu hết các ngân hàng đang đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ bởi lãi suất huy động 0% đã khiến nhiều ngân hàng có được nguồn USD dồi dào và các ngân hàng thường có nhiều chiêu để kiếm lời.

Để tránh tình trạng ngân hàng thương mại tạo sóng, tờ báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đưa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do về sát nhau. Bên cạnh đó, công thức tính tỷ giá trung tâm cũng phải linh hoạt hơn, tránh bị các tổ chức tín dụng "bắt bài".

*Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi đang xuống rất thấp, có nơi chỉ còn 15.000 đồng/kg nhưng nông dân cũng không bán được. Nhiều hộ dân đã phải xót xa bỏ đói, thậm chí là chủ động tiêu hủy lợn sữa để không bị lỗ thêm.

Qua hàng tít "lợn ăn nhà cửa, đất đai", báo Nông thôn ngày nay dẫn lời nhiều nông dân chia sẻ, lợn đã ăn hết học phí của các con, ăn hết cả nhà rồi mà vẫn chưa bán được. Chỉ mong nhà nước sớm có chính sách cụ thể, hành động thiết thực như kêu gọi các doanh nghiệp vào thu mua lợn giúp bà con. Chứ cứ để dân tự xoay sở như hiện nay thì sẽ càng rơi vào cảnh cùng cực.

*Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những yếu tố đang được coi là ưu thế của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh khi mà máy móc, robot tự động lên ngôi.

Đặc biệt, những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may sẽ gặp phải thách thức lớn. Thời báo kinh tế Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ được các doanh nghiệp khi tham gia vào cuộc cách mạng này, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Đặc biệt, là phải giảm các loại thuế và phí đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh, sạch.

*Trong khi Bộ Công Thương sốt sắng đề nghị khởi động lại dự án mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, Thạch Khê, vốn đã bị trì hoãn suốt 10 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh lại lên tiếng phản đối vì cho rằng khả năng huy động vốn cho dự án chưa có tiến triển gì.

Với câu hỏi: Vốn nào cho mỏ sắt Thạch Khê?, báo Diễn đàn doanh nghiệp chỉ ra một loạt khó khăn của dự án. Đó là các chủ đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về góp vốn, còn Vinacomin, cổ đông nắm 52% cổ phần thì cũng đang khó khăn chồng chất về tài chính. Chưa kể điều kiện địa hình mỏ rất phức tạp, vượt quá khả năng của nhà đầu tư trong nước.

*Tờ Công an nhân dân hôm nay cảnh báo: Nếu không kiểm soát được hoạt động khai thác cát, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lâm nguy. Bởi những năm qua hoạt động khai thác và hút cát lậu trên các tuyến sông đã gây sạt lở nghiêm trọng, vào mùa khô, tình trạng này xảy ra càng dữ dội hơn. Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long có tới hơn 260 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km, mỗi năm sạt lở đã lấy đi gần 500 ha đất trong vùng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước