Trong lần đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã thẳng thắn trả lời rất nhiều câu mà các đại biểu và cử tri quan tâm trong lĩnh vực ngân hàng, chính sách tiền tệ. Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chiếm được cảm tình của các đại biểu và cử tri với những khẳng định chắc chắn về việc không để xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, hay đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, lợi ích người gửi tiền.
Trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đánh giá cao sự thẳng thắn của Thống đốc Lê Minh Hưng: "Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đi sâu vào các vấn đề mà đại biểu đặt ra. Với tư cách là người chất vấn thì tôi thấy câu trả lời khá thỏa mãn và tình hình điều hành chính sách tiền tệ ngày càng tốt hơn. Tôi thấy rằng Thống đốc là một người nắm chắc vấn đề và phối hợp tốt công tác điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ nên tình hình lạm phát và điều hành tỷ giá trong thời gian qua đã đạt được mục tiêu".
Phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đi sâu vào nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm về chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: "Tỷ lệ lạm phát đã được kiềm chế ở mức cho phép của Quốc hội. Tỷ giá cũng được duy trì ổn định. Lãi suất ngân hàng đã được giảm xuống và khả năng tiếp cận ngân hàng của các doanh nghiệp cũng tốt hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng thời gian tới là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Cho nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên dưới 18% là hợp lý. Chúng ta không thể đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng để đổi lấy cái giá là bất ổn của kinh tế vĩ mô và đặc biệt là kiểm soát rất chặt chất lượng tăng trưởng của tín dụng".
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)
Đánh giá chung về phần trả lại chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đưa ra góp ý: "Có những vấn đề các bộ trưởng đi vào chi tiết nhưng cũng có vấn đề chưa thực sự sâu. Ngoài trả lời trực tiếp, tôi cũng mong các bộ trưởng quan tâm đến vấn đề mà đại biểu đặt ra bằng văn bản. Đối với các đại biểu thì các câu hỏi không phải mong muốn riêng của đại biểu mà còn của cử tri, nhất là cử tri các địa phương khi tiếp xúc đều có những quan tâm rất cụ thể".
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhận xét, nhiều câu trả lời của các tư lệnh ngành rành mạch và cụ thể bởi đây cũng là những vấn đề trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng cần tháo gỡ: "Những vấn đề mà tôi chất vấn đều là những vấn đề xã hội cử tri quan tâm. Tôi nghĩ bản thân các tư lệnh ngành cũng nhận diện tồn tại, vướng mắc ở các lĩnh vực đó. Hoạt động chất vấn cũng nhằm mục đích để các tư lệnh ngành trả lời cử tri được rõ hơn những vướng mắc mà hiện nay các tư lệnh ngành tập trung quan tâm tháo gỡ. Các câu hỏi chất vấn là từ thực tế trong hoạt động giám sát của các đoàn địa phương".
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng)
"Các đại biểu đã xoáy vào những vấn đề mà cử tri quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn rất hóc búa với các tư lệnh ngành. Tuy nhiên chúng ta có phạm vi chất vấn rất cụ thể nên có những sự trùng lặp và các đại biểu lại phải điều chỉnh phù hợp. Nếu phạm vi rộng hơn, các đại biểu có thể đặt câu hỏi rộng ra" - Đại biểu Bùi Thanh Tùng đóng góp ý kiến.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!