Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF đang chờ đợi xem án phạt dành cho mình lần này sẽ là bao nhiêu. Hai lần gần đây nhất, các cổ động viên Việt Nam mang pháo sáng đến đốt tại sân khách - Campuchia - vào hồi tháng 11/2017 và tại Indonesia tháng 8 vừa qua, mức tiền phạt đều rơi vào khoảng 300 triệu đồng một lần. Tuy nhiên, mất tiền phạt không phải là điều đáng lo ngại nhất mà pháo sáng mang lại.
Trong một đám đông, ngọn lửa luôn là thứ rất nguy hiểm. Ngọn lửa của pháo sáng có nhiệt lượng rất lớn. Một cổ động viên đã kể lại cảm giác gặp nạn tại sân Mỹ Đình khi để một quả pháo sáng cháy trong túi quần của mình năm 2016: "Khi Thành Lương chuyền bóng ra cho Văn Thanh ghi bàn ở cuối trận đấu. Vì quá vui sướng, tôi đưa tay vào trong túi để lấy quả pháo ra đốt. Nhưng do sơ suất, tôi đã túm vào đầu dây, khiến quả pháo được giật chốt và cháy ngay trong túi quần. Lúc đó tôi đã rất hoảng loạn, nhiệt độ quả pháo lên tới hàng nghìn độ C, đốt cháy da thịt mình. Có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào quên được giây phút kinh hoàng đó". Sau đó, cổ động viên này nằm viện 1 tháng vì vết bỏng.
Những khoản tiền phạt lớn bị lãng phí, những nguy hiểm rình rập, nhưng đáng buồn hơn, pháo sáng đang trở thành nỗi xấu hổ chung cho bóng đá Việt Nam, một nỗi xấu hổ vượt ra khỏi biên giới.
Trước trận đấu tại Yangoon vào chiều nay (20/11), trên các diễn đàn mạng xã hội, các cổ động viên Myanmar đã nói rằng: "Chúng tôi chào đón các cổ động viên Việt Nam, nhưng làm ơn đừng mang pháo sáng vào sân vận động của chúng tôi".
Mới đây nhất, báo điện tử của kênh thể thao châu Á FoxSport đã đăng bài viết miêu tả khá chi tiết vấn nạn pháo sáng của bóng đá Việt Nam và cảnh báo rằng đội bóng của Việt Nam hoàn toàn có thể phải chơi các trận đấu sân nhà không có khán giả, hoặc phải đá trên sân trung lập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!