Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương và cả lực lượng kiểm lâm đều biết rừng bị phá nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Từ thôn 8 xã Tiên Lãnh, sau 2 giờ đi bộ, phóng viên đến được khu vực Nà Cau thuộc tiểu khu 557, rừng phòng hộ Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Đây là một trong hàng chục vị trí phá rừng để trồng keo lá tràm. Điều đáng nói, rừng phòng hộ này có nhiều loại gỗ quý đã được giao khoán cho người dân bảo vệ.
Theo người dân, từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng 300 ha rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh bị xóa sổ. Chỉ riêng năm nay, có hơn 100 ha rừng bị phá, trong đó có 24 ha rừng khoanh nuôi. Quy mô phá rừng được đánh giá là rất nghiêm trọng.
Được biết toàn bộ rừng nguyên sinh thuộc tiểu khu 557, xã Tiên Lãnh đã giao cho người dân quản lý. Tuy nhiên, rừng ở đây đã bị thảm sát để trồng keo. Câu chuyện phá rừng ở đây diễn ra từ năm nay qua năm khác. Thế nhưng, chính quyền địa phương hầu như bất lực.
Người dân rất day dứt vì chính họ không thể bảo vệ được rừng do lực lượng kiểm lâm thiếu kiên quyết. Người dân địa phương cho rằng, tác giả các vụ phá rừng là những người rất có thế lực.
Ngoài tiểu khu 556, 557, rừng phòng hộ bị triệt hạ; các tiểu khu như 551, 552, 553 cũng bị xóa sổ. Hiện nay tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng phá rừng nguyên sinh để trồng rừng sản xuất diễn ra tràn lan; và vụ phá rừng xã Tiên Lãnh được xem là vụ phá rừng phòng hộ có quy mô lớn nhất từ trước hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!