Ngay tại Điều 1 của Công ước đã có quy định cấm tra tấn, có nghĩa là cấm "bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba". Công ước ràng buộc “mỗi quốc gia tham gia tiến hành những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp... nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn”.
Với việc phê chuẩn Công ước này, Việt Nam sẽ phải thực hiện các biện pháp để loại bỏ mọi hành động dùng nhục hình ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam mà theo như Công ước là hành vi tra tấn.
Mặc dù hệ thông pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về chống dùng nhục hình để bức cung hoặc trừng phạt người khác và buộc những người dùng nhục hình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, sau khi phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Việt Nam sẽ phải xem xét để đưa thuật ngữ “tra tấn” vào các bộ luật và đạo luật liên quan, đồng thời sửa đổi các quy định để bảo vệ quyền không bị tra tấn phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn của pháp luật quốc tế về quyền con người.
Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn, mà việc thực hiện Công ước sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Và đây chính là điều kiện để Việt Nam thực hiện tốt hơn bản Hiến pháp với những quy định tiến bộ về bảo vệ quyền con người.