Quyền im lặng của người bị tạm giam, bị tạm giữ chính là chủ đề được đưa ra bàn luận trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này với sự tham giả của hai khách mời: ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Luật sư Phan Trung Hoài - Liên đoàn luật sư Việt Nam, thành viên Tổ biên tập Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.
Trong phiên họp Ủy ban thường vụ quốc hội vừa qua, các đại biểu đã đưa ra thảo luận vấn đề về Quyền im lặng cho bị can và người bị tạm giữ. Lý giải cho điều này, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là trước hiện trạng một bộ phận án sai vẫn còn sót lại trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Đương khẳng định Quyền im lặng không thể đưa vào trong luật. Bởi, không nhất thiết phải có quyền im lặng trong luật vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án, giảm bức cung, án oan sai.
ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực, ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ông cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội”.
“Trong đấu tranh chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước, công cộng và cá nhân. Nếu như quá chú trọng vào lợi ích của nhà nước thì quyền của người dân sẽ bị vi phạm, ngược lại nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án. Chính vì vậy phải dung hòa hai yếu tố này là bài toán khó mà nhiều nước quan tâm. Vì vậy, thực tế có nước quy định quyền im lặng, có nước không, hoặc nếu quy định thì cũng khuyến cáo người bị bắt nên thành khẩn khai báo”, ông Đương nói thêm.
Không đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Đương, luật sư Phan Trung Hoài lại cho rằng Quyền im lặng đối với những bị can, người bị tạm giữ, người phạm tội là xuất phát từ quyền cơ bản của con người. Do vậy, đây không phải chỉ yêu cầu mong mỏi của phía luật sư hay bản thân phía bị can, bị cáo mà đó chính là từ những điều Hiến pháp quy định.
Ông Phan Trung Hoài - Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Cụ thể, ông Phan Trung Hòai cho biết: “Người bị tình nghi phạm tội bị bắt, tạm giữ hoặc bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Vì vậy, chính Quyền im lặng sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước khi cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn. Theo quy định trong Pháp luật Việt Nam, đặc biệt ở luật tố tụng hình sự tại khoản 2 điều 72, không thể dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội nếu nó không phù hợp với những chứng cứ khác trong hồ sơ. Chính vì vậy, tự bản thân quyền hiến định đã cho phép người công dân hoặc người bị đặt trong vòng tố tụng có thể nhận sự trợ giúp về mặt pháp lý ngay từ đầu”.
Bên cạnh đó, ông Phan Trung Hoài cũng đưa ra hai vướng mắc đang còn tồn đọng trong quá trình giải quyết thủ tục pháp lý để người phạm tội, bị can, bị cáo tiếp cận với luật sư. Một là việc tiếp xúc với bị can và người bị tạm giữ tại trại tạm giam thường không có mặt của luật sư, nên luật sư thường nhận được giấy từ chối chấp nhận quyền bào chữa.
Ngoài ra, theo quy định của luật Tố tụng, luật sư chỉ được phép hỏi khi điều tra viên cho phép, điều này đã dẫn đến việc người bị bắt và tạm giữ không có cơ hội trao đổi với luật sư về những chứng cứ buộc tội họ, không thể tư vấn cho họ theo những quy định của pháp luật về những quyền mà họ được phép. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc các luật sư thường gặp khó khăn khi tham gia quá trình tố tụng trong các vụ án hình sự.
Có thể thấy, vấn đề đưa Quyền im lặng vào trong Luật tố tụng hình sự bổ sung hiện đã tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau, một là không đồng ý từ phía cơ quan tố tụng và một là đồng ý từ phía các luật sư. Mặc dù vậy, trên cơ sở những phân tích từ hai phía, một quan điểm thống nhất đã được cả hai khách mời đề cập trong chương trình đó là cần đưa ra các quy định rõ ràng việc các cơ quan chức năng phải giải thích với người phạm tội về quyền tiếp cận, nhờ luật sư bào chữa hoặc có thể im lặng chờ luật sư bào chữa ngay từ đầu.