Nhiều năm nay, gia đình ông Bùi Quốc Việt luôn miệt mài khai hoang, trồng trọt trên quả đồi gần 4.000 m2 và vẫn đinh ninh rằng, quả đồi này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với nhà và ruộng của ông.
Nhưng trong một lần mang sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng, ông Việt mới vỡ lẽ, quả đồi bị tách riêng và không có sổ đỏ. Sau nhiều lần đề nghị, nhiều đoàn địa chính đã xuống đo đạc nhưng quả đồi vẫn chưa thuộc về ông, bởi số tiền lệ phí đo đạc quá cao khiến gia đình không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ông Bùi Quốc Trị, thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, Yên Bái cho biết: “Theo các đoàn địa chính, lệ phí đo đạc của gia đình tôi tính ra hết khoảng 10-12 triệu đồng. Thực tế tôi không phải người mua đất, không tranh chấp với ai, mà nếu tôi có nhượng lại cũng không đến giá đó”.
Bán cả quả đồi cũng không trả đủ chi phí đo đạc, đó là lý do nhiều người dân Yên Bái không chấp nhận chi trả khoản phí vô lý này. Những khoản phí do địa phương tự đề ra, tự quy định.
Bản thân lãnh đạo xã Bảo Hưng cũng thừa nhận đây là một mức phí cao. Tuy nhiên, ông này cũng không trả lời được câu hỏi việc thu phí như vậy có sai quy định hay không.
Ông Nguyễn Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, Yên Bái nói: “Theo chủ quan của tôi, mức phí đo đạc với 500 đồng/m2 để trích đo và 50% giá trị đó cũng gây khó khăn cho người dân”.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái khẳng định, chi phí đo vẽ địa chính ở tỉnh miền núi thường cao gấp nhiều lần ở đồng bằng.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính những thửa đất đối với một tỉnh miền núi có điều kiện đặc biệt khó khăn như tỉnh Yên Bái, thì kinh phí đầu tư cho công tác đo đạc khác với các tỉnh đồng bằng hoặc những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Kinh phí đầu tư đo đạc trên Yên Bái thông thường gấp 1,5 lần hoặc gấp đôi so với nơi có điều kiện thuận lợi”.
Lãnh đạo Tổng Cục Quản lý đất đai khẳng định, theo quy định, địa phương có quyền quyết định mức phí đo đạc địa chính. Nhưng cũng theo quy định hiện hành, chỉ thu phí đo đạc với các tổ chức còn các hộ gia đình được miễn các loại phí này.
Quy định được miễn phí nhưng chính quyền địa phương “sáng tạo” ra một mức phí trên trời. Với cách hành xử như thế này, tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu phải lâu nữa mới thực hiện được mục tiêu hoàn thành 4,3 triệu hồ sơ trên toàn quốc trong năm 2013.