Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo QH công tác phòng chống tham nhũng năm 2012. (Ảnh: VietNamNet)
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012, nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về lĩnh vực này. Thừa ủy quyền của Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 cho biết: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm toán nhà nước đã được tăng cường và tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Qua thanh tra, các cơ quan thanh tra nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8000 tỷ đồng và hơn 2.600 ha đất (trong đó đã thu hồi được 2.334 tỷ đồng); kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ, 41 người.
Ông Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can).
Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 244 vụ, 601 bị can về tham nhũng (tăng 50 vụ, 192 bị can so với cùng kỳ năm 2011).
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1% (Năm 2011 tỷ lệ này là 31,7%).
Tuy nhiên Tổng thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế yếu kém, trong đó việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém được chỉ ra là một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa xóa bỏ triệt để tình trạng "xin, cho", là điều kiện làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn văn Hiện trình bày cũng cho rằng: Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài.
Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra cũng đưa ra ý kiến thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn… đã gây bất bình, bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Đây là những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.