Vấn đề này tiềm ẩn nhiều rủi ro với người bệnh. Bởi trong trường hợp xảy ra biến chứng, họ sẽ không có căn cứ nào buộc cơ sở khám chữa bệnh phải bồi thường.
Có triệu chứng đau lưng và đi tiểu đêm nhiều lần, anh Hải cho biết theo quảng cáo trên mạng, anh đã đến phòng khám đa khoa Á Châu địa chỉ tại 987 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, để khám bệnh. Tại đây, anh đã được kê đơn là 5 túi thuốc Đông y với giá 150.000 đồng/túi. Nhưng điều bất thường, trên túi thuốc này lại không có thông tin gì về nhà sản xuất cũng như các thành phần của thuốc.
Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ, mặc dù cơ sở khám có tên là Á Châu, nhưng hóa đơn xuất cho bệnh nhân lại là của phòng khám Việt Tâm, phòng khám vừa bị buộc đóng cửa vì sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc điều trị cho người bệnh. Chưa kể, mặc dù điều trị tại đây, nhưng những thông tin của anh Hải lại không được lưu trong sổ theo dõi bệnh nhân của phòng khám này.
Lo ngại khi dùng thuốc bị biến chứng, người bệnh không có đủ căn cứ để buộc phòng khám phải đền bù thiệt hại, phóng viên Thế Thực (báo Người cao tuổi) cho biết đã đóng vai người đến khám bệnh. Tại đây, anh đã được cán bộ từng làm ở phòng khám cho biết, phòng khám đã sử dụng nhiều loại thuốc có chữ Trung Quốc để tiêm và truyền cho bệnh nhân.
Không chỉ vậy, phòng khám còn sắp xếp phiên dịch, điều dưỡng khám tiếp cho người bệnh. Ví dụ: Không phải là bác sĩ, không được trực tiếp khám chữa bệnh nhưng một điều dưỡng vẫn trực tiếp khám cho bệnh nhân trong vai trò của một bác sĩ.
Tại phòng khám, phóng viên cũng phát hiện có nhiều loại thuốc chữ Trung Quốc không được phép lưu hành trên thị trường. Theo Sở Y tế Hà Nội, tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc đang diễn ra khá phức tạp tại các phòng khám tư nhân, nhất là các phòng khám chữa bệnh phụ khoa và nam khoa. Từ đầu năm, cơ quan này đã tước và thu hồi giấy phép của 16 phòng khám trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!