Dù có được nguồn tin gần như chắc chắn từ người dân bản địa, nhưng phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ lội rừng, tìm kiếm, nhóm phóng viên VTV mới lần ra được điểm tập kết gỗ lậu. Không tiếp cận được những cánh rừng bị tàn phá, nhưng nhìn những đống gỗ tại hiện trường cho thấy các đối tượng phá rừng đã tính toán rất kĩ cho việc vận chuyển hàng chục mét khối gỗ lậu.
Theo đó, hàng trăm phách gỗ lậu đã được các đối tượng cưa theo đúng quy cách khung ngoại và ván lót sàn của những căn nhà biệt thự. Chỉ chờ đêm xuống, chúng sẽ thả trôi số gỗ theo dòng nước là hàng chục mét khối gỗ lậu có thể về xuôi.
‘ Ảnh: VTV Online
Người dân địa phương cho biết, đường dây phá rừng ở tiểu khu 39, thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tồn tại đã nhiều năm nay và đã có hàng trăm mét khối gỗ quý bị các đối tượng này lấy đi dưới nhiều hình thức. Thực trạng này cho chúng ta đặt ra câu hỏi: Vậy các cấp ngành chủ quản ở đâu? Và dựa vào đâu mà đường dây phá rừng này tồn tại từ nhiều năm nhưng không bị phát hiện?
Điều đáng nói hơn là với một đường dây phá rừng khép kín từ khai thác, ngụy trang, tiêu thụ có tính chất nghiêm trọng đến thế, nhưng khi trao đổi với lãnh đạo ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tùy từng nơi, từng lúc việc khai thác lâm sản trái phép tại địa phận chúng tôi quản lý vẫn có xảy ra. Vụ việc như phóng viên phát hiện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra”, ông Phạm Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam nói.
Người dân phát hiện, phóng viên phát hiện, vậy không hà cớ gì các cấp ngành hữu quan không biết việc khai thác gỗ lậu ngay trên địa bàn mình quản lý? Ngay cả với việc cấp phép chế biến gỗ cho công ty Thanh Nhàn hoạt ngay giữa rừng, sát bên đường Hồ Chí Minh cũng đặt cho dư luận một câu hỏi lớn? Đây là mấu chốt của mọi vấn đề mà các cấp ngành liên quan tỉnh Quảng Nam cần điều tra, xử lý.
Quý vị có thể theo dõi VIDEO chi tiết dưới đây: