Tòa án Nhân dân Tối cao vừa ban hành thông tư quy định cụ thể việc triển khai mô hình phòng xử án mới, bắt đầu từ ngày mai (1/1/2018).
Ngay sau khi ban hành, thông tư này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của dư luận. Giới luật sư cho rằng: Những thay đổi của phòng xử án mới sẽ tác động mạnh mẽ tới chất lượng xét xử bởi việc tranh tụng tại tòa sẽ bình đẳng, dân chủ và khách quan hơn.
Theo quy định về phòng xử án mới, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa và luật sư bào chữa được bố trí chỗ ngồi ngang hàng, thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng.
Vành móng ngựa cũng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng "bục khai báo", phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Chỉ duy nhất Hội đồng xét xử ngồi phía trên với tư cách là trọng tài, xem xét lập luận của các bên để đưa ra phán quyết.
Phòng xử án mới đã được triển khai thí điểm tại Đà Nẵng và Bình Dương. Dù đã nhanh chóng thể hiện tính ưu việt trong xét xử nhưng cũng còn những ý kiến trái chiều. Vì vậy, trước khi ban hành Thông tư quy định về phòng xử án mới, Tòa án nhân dân tối cao đã phải phân tích và lấy ý kiến đánh giá từ nhiều phía.
Mô hình phòng xử án mới sẽ được áp dụng đối với các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, phá sản với tinh thần hướng tới sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, khẳng định quyền phán xét nhân danh Nhà nước chỉ thuộc về Hội đồng xét xử của Tòa án. Mục tiêu là bảo đảm chất lượng tranh tụng, căn cứ vào kết quả tranh tụng để phán quyết bản án. Đây được xem là khâu cốt lõi của lộ trình cải cách tư pháp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!