Theo Sở Công Thương Phú Yên, một số doanh nghiệp mía đường ngoài tỉnh cho người đến vùng nguyên liệu của các nhà máy đường trong tỉnh đã đầu tư để thu mua mía với số lượng từ 60 - 80 xe/ngày. Mía bị đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ chủ yếu trồng ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, thuộc vùng quy hoạch của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, gây ra tình trạng tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng tại vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, từ đầu vụ đến nay đã có đến 35.000 tấn mía do tư thương mua chuyển đến các nhà máy đường tỉnh ngoài.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng tranh mua mía, giữ ổn định vùng nguyên liệu, đảm bảo tính bền vững trong công nghiệp chế biến mía đường trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương và doanh nghiệp mía đường trong tỉnh tăng cường quản lý vùng nguyên liệu mía. Đề nghị Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam rà soát kế hoạch sản xuất, cải tiến phương thức thu mua nguyên liệu thuận lợi, đảm bảo thu mua mía kịp thời cho người dân. Công bố giá mua mía từ nay đến hết vụ và quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho nhà máy.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!