Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Nguyễn Thị Hồng Oanh đã có bài trả lời phỏng vấn nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân.
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân?
Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh: Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Bulgaria Ekaterina Zaharieva, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Cộng hòa Bulgaria từ ngày 3 đến 5/7/2018. Chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ hai nước:
Thứ nhất, đây là chuyến thăm chính thức Bulgaria đầu tiên của người đứng đầu Ngành Ngoại giao Việt Nam kể từ sau khi Bạn chuyển đổi thể chế.
Thứ hai, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Điểm nhấn đáng chú ý là từ năm 2013, Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn khẳng định sẽ hợp tác thúc đẩy quan hệ hai nước hướng tới Đối tác chiến lược. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Bulgaria Ekaterina Zaharieva, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự kiến sẽ hội kiến các Lãnh đạo cấp cao của bạn. Có thể nói, chuyến thăm là cơ hội để Lãnh đạo hai nước tiếp tục củng cố, thắt chặt quan hệ truyền thống, trao đổi về tầm nhìn để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Thứ ba, chuyến thăm chính thức Bulgaria của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh không chỉ nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy sự coi trọng các nước bạn bè truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay.
Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam – Bulgaria trong thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh: Việt Nam và Bulgaria có quan hệ gắn bó nhiều năm. Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với
Việt Nam (08/2/1950). Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Bulgaria đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước của nhân dân
Việt Nam. Quan hệ hai nước từng trải qua giai đoạn vàng những năm 70 - 80 thế kỷ XX, đã có hàng nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Bulgaria và đội ngũ này là tài sản chung vô giá của hai nước, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam, cũng như vun đắp cho quan hệ Việt Nam - Bulgaria.
Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Bulgaria
Với nền tảng vững chắc, quan hệ hai nước đã không ngừng được vun đắp gần 70 năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây, quan hệ truyền thống đó đã có những bước phát triển mới rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch…, cũng như hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Về chính trị ngoại giao, hai bên tiếp tục thực hiện trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tiến hành tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, hợp tác ASEAN - EU, Thượng đỉnh Á - Âu ASEM. Bên cạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Bulgaria hiện xem Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có thể hỗ trợ Bulgaria trong việc tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Về phần mình, Bulgaria - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 - sẽ trở thành cầu nối để Việt Nam thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với các nước EU. Bulgaria là một trong những nước EU đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU. Lãnh đạo Bulgaria cũng nhiều lần khẳng định ủng hộ sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp, chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. "Mô hình hợp tác kinh tế mới" mà lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xây dựng trên cơ sở tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước, theo đó, Việt Nam có thể xuất khẩu một số mặt hàng có thế mạnh sang Bulgaria, sau đó hàng hóa được chế biến gia công trực tiếp tại các cảng của Bulgaria và xuất tiếp sang thị trường châu Âu và khu vực Ban-căng. Đây thực sự là một ý tưởng hợp tác rất đáng quan tâm, có tính khả thi và hiệu quả, phát huy khả năng hợp tác sẵn có của hai bên và có thể trở thành mô hình phù hợp cho quan hệ hợp tác giữa các nước bạn bè truyền thống, giữa những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Bulgaria. Tại khóa họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục xác định các biện pháp cụ thể về chính sách, về ngành nghề, sản phẩm, về doanh nghiệp để sớm hiện thực hóa "Mô hình hợp tác kinh tế mới" và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật… trên cơ sở những thế mạnh và tiềm năng của cả hai bên. Đây là tiền đề quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng được mở rộng. Lực lượng lưu học sinh, thực tập sinh, công nhân lành nghề đã từng học tập và lao động tại Bulgaria trước đây và khoảng 1000 Việt kiều, trong đó có nhiều doanh nhân đang làm ăn, sinh sống tại Bulgaria là nhịp cầu kết nối quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, năm 2015, Bộ môn tiếng Việt lần đầu tiên được thành lập tại Đại học Tổng hợp Sophia, thu hút ngày càng đông sinh viên Bulgaria theo học, là tín hiệu tích cực để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Bulgaria, qua đó tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc.
Điều làm tôi ấn tượng là sự hưởng ứng ở mức độ cao của các đối tác Bulgaria, kể cả Lãnh đạo cấp cao đối với những sáng kiến của Đại sứ quán trong tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá về Việt Nam cũng như kết nối hợp tác song phương, đặc biệt là Hội thảo và Triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 60 năm chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1957 - 2017) vào tháng 10/2017 đã nhận được sự đồng hành, hợp tác của Viện Văn hóa, Viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Bulgaria, Phó Tổng thống Iliana Yotova đã tham dự và phát biểu khai mạc, cùng đông đảo đối tác và bạn bè sở tại. Tôi đánh giá cao và trân trọng những tác phẩm báo chí viết về Việt Nam, nhất là những tác phẩm được giải thưởng Thông tin đối ngoại 2014, 2015, 2017 mà các nhà báo Bulgaria đã thực hiện đầy tâm huyết. Đó thực sự vừa là minh chứng, vừa là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ cho mối tình hữu nghị tốt đẹp và lâu bền giữa hai dân tộc Việt Nam và Bulgaria.
Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Bulgaria; các lĩnh vực hai bên có tiềm năng để tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh: Về triển vọng, tôi cho rằng quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng và cơ sở để thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực trong những năm tới, bởi lẽ:
Thứ nhất, từ sau khi Bulgaria chuyển đổi thể chế chính trị (1989) tới nay, tất cả các đảng trong Quốc hội đều tuyên bố ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh nỗ lực triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hướng ưu tiên củng cố, phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống như Bulgaria. Lãnh đạo hai nước đều khẳng định mong muốn đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu hiệu quả, thực chất hơn. Đây là tiền đề và cơ sở vững chắc để hai bên thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa.
Đại sứ Nguyễn Thị Hồng Oanh trình Quốc thư lên Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev.
Thứ hai, Bulgaria vừa đảm nhiệm thành công xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng đầu năm 2018, vị thế và vai trò tăng lên đáng kể trong khu vực. Tuy là nền kinh tế nhỏ (dân số khoảng 7,5 triệu người), nhưng Bulgaria có vị trí địa - chính trị chiến lược, là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận và thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu tiềm năng. Kết quả tăng trưởng thương mại trong những năm gần đây là tín hiệu lạc quan với doanh nghiệp hai nước.
Trong thời gian tới, dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác mọi mặt, đặc biệt là kinh tế - thương mại - đầu tư trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, y tế, dược phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, năng lượng cũng như giáo dục - đào tạo, lao động... nhằm tạo bước đột phá mới. Mỗi bên cần chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm thế mạnh tại thị trường của nhau (các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Bulgaria là sợi bông, cà phê hạt, cao su thiên nhiên, hạt điều, quần áo… và nhập khẩu từ Bulgaria lúa mì, hóa chất, phân vi sinh, hoa quả khô, dầu thực vật, thuốc thú y, bảo vệ thực vật…). Tôi cho rằng, một lĩnh vực rất triển vọng trong hợp tác giữa hai nước thời gian tới là hợp tác lao động do Bulgaria đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động ở hầu hết các lĩnh vực (sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ), dự báo hiện thị trường Bulgaria cần khoảng 50 nghìn lao động, về trung và dài hạn, nhu cầu lên đến 500 nghìn.
Bulgaria mới sửa đổi Luật lao động nhập cư (có hiệu lực từ 5/2018) để đối phó với tình trạng này. Việt Nam đang được các doanh nghiệp Bulgaria đặc biệt chú ý. Để tận dụng cơ hội này, chúng ta cũng cần chú ý đảm bảo cung cấp lao động có chất lượng, tay nghề cao và kỷ luật tốt, đáp ứng yêu cầu của Bạn. Hợp tác giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Hiện nay, hai bên thực hiện Thỏa thuận hợp tác về giáo dục ký năm 2012 và đang tích cực phối hợp soạn thảo tiến tới ký kết Thỏa thuận hợp tác mới (giai đoạn 2018 - 2022) với số lượng học bổng sẽ tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, các hình thức hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục đào tạo hai nước đang được khuyến khích nhằm phát huy mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Với tiềm năng to lớn và nỗ lực của hai bên, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!