Sự việc sập bè nổi xảy ra hồi tháng 7/2016 ở vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận, đến nay vẫn là câu chuyện chưa hết nóng. Bởi hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ đang vào mùa du lịch biển và sự lựa chọn của nhiều du khách vẫn là đến với những bè nổi để thưởng thức hải sản ngay giữa biển.
Không muốn nhớ, nhưng cả người dân Vĩnh Hy và du khách vẫn không thể quên tai nạn đau lòng sập bè nổi xảy ra vào ngày 23/7/2016. Vụ tai nạn khiến 300 du khách rơi xuống biển, 2 người tử vong, nhiều người bị thương.
Tất cả các nhà bè ở Ninh Thuận đã bị buộc ngưng hoạt động ngay từ khi xảy ra vụ tai nạn năm 2016. Riêng ở Vĩnh Hy, cả 6 nhà bè đều chuyển sang dạng thức hoạt động bè nổi được đưa lên bờ.
Như vậy, bước đầu Ninh Thuận đã chấn chỉnh được hoạt động của các bè nổi. Nhưng cách chấn chỉnh này cũng chỉ là tạm ngưng hoạt động. Điều này khiến cho không ít người băn khoăn liệu có phải do không quản lý được nên buộc phải cấm. Việc cấm hoạt động này là đúng bởi vấn đề hàng đầu trong kinh doanh du lịch phải là sự an toàn của du khách. Thế nhưng, dưới góc nhìn của du khách, không còn bè nổi là mất đi cơ hội trải nghiệm thú vị trên biển. Còn dưới góc nhìn của những người làm du lịch, bè nổi ngưng hoạt động là mất đi một cơ hội thu hút khách.
Lâu nay, bè nổi xuất phát từ các bè nuôi hải sản sau đó biến thành nhà hàng nổi dân dã. Một thời gian dài, hiểm họa rình rập, đến khi xảy ra vụ sập nhà bè ở Vĩnh Hy năm 2016, công tác quản lý mới được đặt ra.
Những người làm du lịch băn khoăn đến khi nào mới có quy chuẩn đối với nhà bè để đầu tư, để được phép hoạt động. Vấn đề này đặt ra đã gần 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi đó, ở không ít nơi, những bè nổi vẫn cứ đón khách, cùng với đó là một hiểm họa: bè nổi có thể chìm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!