Được biết, máy in nào cũng có bộ đếm với cơ chế hoạt động tương tự một chiếc công tơ mét trên xe máy hay đồng hồ tính cước taxi. Bộ đếm này đếm chính xác từng tờ văn bản chạy qua máy. Theo người trong nghề, hàng trăm, hàng nghìn bản sách lậu ra đời sẽ phải được hiển thị trên bộ đếm của một số máy in. Bất kỳ ai nhìn vào là biết, trừ khi có người cố tình điều chỉnh chỉ số hoặc “nhắm mắt làm ngơ”.
In lậu mà có thể in đến hàng nghìn bản với chất lượng tương đương sách thật không thể là các cỗ máy đơn sơ, mà phải là các thiết bị in hiện đại. Tuy nhiên, nghịch là tại sao những kẻ in lậu, làm giả sách lại có được những cỗ in như vậy?, bởi để được nhập khẩu vào nội địa, những chiếc máy in phải có giấy phép nhập khẩu do Cục Xuất bản in và phát hành cấp, trong đó ghi rõ model, số sê-ri máy và hình chụp từ catalogue. Điều này có nghĩa một chiếc máy in được quản lý chặt chẽ đầy đủ số khung, số máy, không khác gì một chiếc ô tô.
Mặt khác, kích thước một chiếc máy in cũng tương đương một chiếc xe tải nhỏ, nên trên thực tế không có chuyện một cỗ máy in được kiểm soát từ khi nhập khẩu đến lúc về lại có thể cho ra hàng nghìn, hàng vạn bản in lậu không ai biết. Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là lý thuyết.
Theo chuyên gia in ấn, có nhiều cách để "tàng hình", xóa sổ một cái máy in trong danh mục quản lý như: Hoán cải, tráo đổi hay lắp ghép một số bộ phận để biến thành máy khác; sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu và dễ nhất là thanh lý như phế liệu.
Có lẽ ít ai, cả những người trong ngành in hay đơn vị quản lý các nhà in là Cục Xuất bản để ý đến việc nhiều cỗ máy in đã biến mất so với danh mục cấp phép. Vì vậy, cũng ít ai có mong muốn tìm hiểu đến tận cùng việc hàng nghìn, hàng triệu bản sách giả với chất lượng như sách thật từ đâu ra và có mối quan hệ với những cỗ máy in vốn được kiểm soát chặt chẽ như thế nào?
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.