Đến núi Thần Đinh, du khách sẽ vượt 1.200 bậc đá để lên đỉnh núi, nơi có dấu tích chùa cổ Kim Phong. Tại đây, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ hoang sơ của cả cánh rừng tự nhiên. Núi Thần Đinh có giếng Tiên, Động Chiêng, Động Trống khi có gió thổi thường phát ra âm thanh như tiếng chiêng, tiếng trống... Còn ngôi chùa cổ nằm trên núi Thần Đinh được người dân gọi tên là Kim Phong nhằm chỉ sự tốt đẹp như vàng của những phong tục văn hóa đậm đà thuần khiết nơi đây. Tương truyền chùa được xây dựng vào năm Chánh hòa thứ 21, đời vua Lê Hy Tông (1680-1705), do sư thầy An Khả trụ trì. Chùa nằm trên núi cao nên cư dân bản địa còn quen gọi là chùa Non. Thời xa xưa vào năm 1470 vua Lê Thánh Tông đã đến đây vãn cảnh. Sau này, đến đây vãn cảnh chùa còn có vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị.
Trong những năm chống Pháp và chống Mỹ, khu vực núi Thần Đinh còn là chiến khu cách mạng. Trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh chỉ còn lại dấu tích là am thờ, phần móng, ít gạch đá, tường cổ bị đổ nát đầy rêu phong. Năm 2007, Tổ đình Vĩnh Nghiêm (thuộc thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh) đã đầu tư xây dựng chùa Kim Phong dưới chân núi.
Nhân dịp đầu xuân, chùa Kim Phong tổ chức đại lễ cầu nguyện quốc thái, dân an. Thượng tọa Thích Trung Sơn, trụ trì chùa Kim Phong cho biết, trong những ngày diễn ra đại lễ, nhà chùa phục vụ 7.000 phần cơm chay miễn phí, phát hơn 10.000 món quà lì xì đầu năm để chúc phúc cho du khách một năm bình yên và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Núi Thần Đinh, chùa cổ Kim Phong trong khoảng 10 năm trở lại đây trở thành điểm đến du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn. Vì vậy, Quảng Bình đã đưa Núi Thần Đinh và chùa cổ Kim Phong vào kế hoạch phát triển trong chiến lược du lịch của tỉnh, tầm nhìn đến năm 2020.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!