Trong giai đoạn 2005-2012 mỗi năm số hộ nghèo ở nước ta đã giảm từ 2,3 - 2,5%. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng có được kết quả này là nhờ những chủ trương lớn của Đảng, nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với những người dân vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khẳng định, một bộ phận người nghèo đang có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước và đề nghị, Chính phủ cần có sự điều chỉnh trong chính sách giảm nghèo, hướng đến việc khích lệ ý chí vươn lên của người dân..
Phát biểu trong phiên hop, bà Lê Thị Yến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chính phủ cần xem xét lại một số chính sách không còn phù hợp như hỗ trợ cho không, cấp tiền không điều kiện để tránh tư tưởng ỉ lại, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm và sửa đổi kịp thời một số chính sách chưa hoàn thiện không phát huy được nội lực của người nghèo, vì nó còn mang tính bình quân, nên hỗ trợ có điều kiện để hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo có mục tiêu và thời gian cụ thể.
Với chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng như hiện tại có quá nhiều nội dung và bị chồng chéo. Thực tế cho thấy, không ít địa phương vẫn loay hoay trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư hoặc đã phân bổ nhưng lại thiếu sự giám sát dẫn tới dàn trải, lãng phí. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị, chính phủ xem xét rút từ 16 xuống còn 2 chương trình với lộ trình rõ ràng.
“Chúng ta đã thảo luận nhiều lần và trong 16 chương trình, mục tiêu quốc gia thì chương trình nào cũng quan trọng, cần thiết, nhưng phải nói là một số chương trình trùng lặp, chúng ta thảo luận đề nghị cắt, giảm hoặc điều chỉnh một số chương trình chưa cấp bách, ưu tiên 2 chương trình vừa cơ bản, vừa cấp bách: Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Võ Kim Cự - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nói.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cần ra Nghị quyết về chính sách giảm nghèo để tạo đột phá trong lĩnh vực này. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực y tế; Nâng cấp, xây dựng cở sở hạ tầng thiết yếu như điện đường trường trạm, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người nghèo thoát nghèo.