Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 13/06/2019 15:03 GMT+7

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia biểu quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

VTV.vn - Sáng nay (13/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận cao.

Có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nộp thuế là một điểm mới trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được 442 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,32%. Theo đó, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh.

Ngoài ra, với các trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để giảm chi phí thì sẽ phải chịu lãi suất chậm nộp là 0.03%/ngày tương dương lãi suất 10,95%/năm.

Đặc biệt, trong Luật được thông qua đã được bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế là "Cấm thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế".

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Riêng đối với quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử thì có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Về Luật Đầu tư công (sửa đổi), có 450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, tương đương 92,98% thông qua. Trong đó, quy định 02 loại vốn đầu tư công là vốn ngân sách Nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước. Đồng thời tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát.

Một điểm quan trọng của Luật này đó là Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Còn với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia có vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên thì thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội. Ngoài ra, Luật đã ghi rõ phương án phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), để từ đó, có căn cứ pháp lý để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, tránh vòng lặp lẩn quẩn "con gà - quả trứng" như trước đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước