Với hơn 90% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố. Việc thông qua luật này sẽ góp phần tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong việc phòng, chống khủng bố và góp phần hoàn thiện chính sách của đất nước.
‘ Một cuộc diễn tập khẩn nguy cấp quốc gia tại Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng). (Ảnh: Thanh niên)
Trong luật cũng quy định Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và UBND cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh. Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia.
Cũng theo quy định của Luật, nhiều biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng ngay khi khủng bố đã, đang hoặc có căn cứ xảy ra như: Bao vây, phong tỏa, giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân, cách ly người, di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm của khủng bố.
Một trong những biện pháp khẩn cấp được phép áp dụng đó là tấn công, tiêu diệt đối tượng khủng bố, phá hủy vũ khí, công cụ, phương tiện đang được sử dụng để khủng bố.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, đa số đại biểu tán thành việc sửa 12 trên tổng số 65 điều của luật sau hơn 10 năm thực thi và đã bộc lộ những hạn chế bất cập.
Cũng có đại biểu cho rằng Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy mới chỉ giải quyết được một số vấn đề như: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn, cũng như quy định về ngành nghề; điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chưa đề cập sâu đến vai trò và trách nhiệm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên trách.
Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ.