Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Theo VGP News-Thứ sáu, ngày 02/11/2018 10:33 GMT+7

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước báo cáo về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngày 8/9/2018, Chính phủ có Tờ trình số 373/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan như sau: Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chile), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.

Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thế chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy đinh về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị-xã hội của ta.

"Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại Khoản 14, Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Sau khi nghe Tờ trình, các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định này.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP Đại biểu Quốc hội đánh giá cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP

VTV.vn - Theo các đại biểu, Hiệp định CPTPP tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức nên cần có sự chuẩn bị kỹ từ phía các nhà quản lý lẫn doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước