Quyết sách mới cho giai đoạn 2 phòng, chống COVID-19

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 13/03/2020 19:30 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Tại cuộc họp kéo dài từ 8h đến 1h chiều 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều quyết sách mới cho giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19.

Một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch toàn cầu, sáng nay (13/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp thường kỳ hàng tuần giữa Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.  Tại cuộc họp kéo dài từ 8h đến 1h chiều nay, Thủ tướng đã có nhiều quyết sách mới cho giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 4 trong lịch sử công bố đại dịch toàn cầu ở cấp 5 trong thang 6 cấp, kể từ ngày hôm qua (12/3), các nước đều nâng cấp các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh này, thông qua các biện pháp mạnh mẽ, kỹ lưỡng và minh bạch thông tin ngay từ đầu, nên không cần chỉnh sửa mà chỉ cần thực hiện quyết liệt.

Thường trực Chính phủ đánh giá, các chính sách phòng, chống dịch hiện nay đều đúng đắn, hiệu quả và cân bằng vừa để chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng nhất lúc này vẫn là phải chủ động ngăn chặn người nhiễm SARS-CoV-2 ở các nước có dịch, nhất là từ Anh và Liên minh châu Âu vào Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và biên giới trên bộ. Khi có người nhiễm virus thì phải được phát hiện nhanh để khoanh vùng và cách ly ngay. Phát hiện người mắc bệnh ở đâu thì điều trị ở đó, không để lây lan ra cộng đồng và cố gắng không có người tử vong. Bởi chỉ trong 1 tuần của giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã ghi nhận thêm 29 người mắc bệnh, trong đó có 11 người nước ngoài. Hiện cũng đang có gần 29 nghìn người đang được cách ly y tế, gần 17 nghìn người cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Dù dự báo đỉnh điểm của đại dịch có thể xảy ra trong 2 tháng tới. Song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ đặt mục tiêu và cam kết đẩy lùi dịch bệnh và thực hiện mọi giải pháp để người dân yên tâm và an toàn. Vì thế, cần phải nâng tầm các kịch bản ứng phó với đại dịch sát với thực tế, đi cùng với bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.

Để bảo đảm phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành công trong giai đoạn 2 và dự phòng cho những tình huống xấu hơn, ngoài 90 nghìn bác sỹ, 120 nghìn điều dưỡng viên hiện đang làm việc, khi cần, Chính phủ có thể huy động thêm 16 nghìn sinh viên y khoa cuối cấp để ứng phó với dịch bệnh. Còn để phát hiện nhanh được người nhiễm SARS-CoV-2, khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch khuyến khích người dân tự nguyện khai báo y tế qua các ứng dụng trên điện thoại di động, nhất là ở các vùng có dịch và các đô thị lớn. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan phải quản lý chặt chẽ thông tin về sức khỏe của người khai báo. Còn tất cả mọi người trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc, như quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Đối với chi phí xét nghiệm, cách ly và điều trị những người mắc COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý, Nhà nước sẽ chi trả cho mọi công dân Việt Nam. Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, chi phí xét nghiệm và cách ly tập trung Nhà nước Việt Nam sẽ chi trả, còn chi phí điều trị người mắc bệnh phải trả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho phép Bộ Y tế là đầu mối nhận hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, với quy chế sử dụng chặt chẽ. Hiện nay, đã có có Hàn Quốc ủng hộ nửa triệu USD, Hội doanh nhân trẻ 10 tỷ đồng, một số tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho các cơ quan nghiên cứu và các cơ sở điều trị.

Đối với công tác cách ly y tế, Thủ tướng đề nghị chính quyền các địa phương phải hạn chế các trường hợp cá biệt, nếu có phải theo quy trình chặt chẽ để virus không lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó phải có hướng dẫn chi tiết cho các chính quyền cơ sở không để lúng túng như vừa qua.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm dồi dào, các cửa hàng, siêu thị mở cửa đến 23h để đảm bảo mọi nhu cầu của người dân, nhất là những vùng có dịch, và khu dân cư bị cách ly.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước