Thế nào là ngây thơ?
Đó là khi những đứa trẻ mếu máo vào thứ 2 đầu tuần này, rồi vẫn nức nở đòi mẹ rằng: "Con không đi học đâu, nghỉ tết tiếp cơ".
Hay là khi một người lớn hàng ngày vẫn tự tay đổ cả tấn mỳ chính nhập lậu vào các gói bao bì giả nhưng vẫn rất ngô nghê: "Em không biết đây là hàng giả".
Cũng có thể là lúc bạn nghĩ rằng mình thích là mình cứ in sách thôi.
Trẻ nhỏ được yêu thương vì sự khờ dại, chưa hiểu sự đời của chúng nên nhiều người lớn chắc đã lầm tưởng rằng, cứ sống ngây thơ hoặc giả nét "ngây thơ" thì sẽ được cuộc đời ưu ái. Nhưng ở đời có thể vẫn còn cô bé quàng khăn đỏ nhưng chẳng có con sói nào đóng giả thành bà ngoại mà không bị nhận ra.
"Sự ngây thơ" của WeFit
Những người có bộ óc tài năng và đầy tham vọng chưa chắc là những người biết diễn đạt cái chất của mình một cách khôn khéo nhất. CEO của BKAV là một ví dụ - người cũng đã quen với biệt danh đầy tính tượng thanh của mình.
Anh dí dỏm, vô tư khi miêu tả về camera của chiếc Bphone thế hệ thứ 4 vừa mới ra mắt: "Của họ trông giống bếp than tổ ong, còn của chúng ta thì giống với bếp từ hơn".
Những ai theo dõi buổi ra mắt sản phẩm sẽ nhận thấy rằng, doanh nghiệp đã bớt ngây thơ hơn rất nhiều khi bước tiếp trên thị trường smartphone.
Slogan lần này của BKAV là "Trải nghiệm không giới hạn". Nhưng nếu tùy tiện mà sử dụng ý tưởng này thì hãy cẩn thận, kẻo bạn sẽ chạm giới hạn của mình.
Điển hình chính là sự việc của WeFit - mô hình chia sẻ phòng tập vốn được coi là Kỳ lân của giới Start-up. WeFit đã bất ngờ thông báo chết yểu, cũng vì quá ngây thơ khi để khách hàng tập luyện không giới hạn mà lại gặp đúng dạng khách quá "chăm chỉ".
Đến mức CEO của WeFit đã sốc khi biết rằng: "Có nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng. Đỉnh điểm là 202 lần/tháng". Vậy thì đúng là tiền đâu mà đủ để trả cho các phòng tập.
"Biết thế thì đã không làm!"
Mọi sự ngây thơ trong kinh doanh đều phải trả giá bằng tiền bạc. Không biết là bài học này có được ghi trong cuốn tự biên "Đệ nhất kiếm tiền" của tác giả Huấn Hoa Hồng hay không. Nhưng sự hồn nhiên của tác giả này rất hợp để viết một cuốn có tên là "Biết thế…". Mà trong cuốn này, ngoài câu chuyện của chính mình thì tác giả cũng nên có thêm một số trải nghiệm của những người khác.
"Nếu biết đi chấm thi mà bị tù, tôi đã bỏ nghề"
Đó là lời bào chữa trước tòa của một bị cáo là giáo viên liên quan đến vụ việc gian lận chấm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình. Bị cáo này khai nhận trong quá trình chấm thi, có nhận được mảnh giấy ghi thông tin thí sinh cần nâng điểm từ cựu trưởng phòng khảo thí và đã thực hiện theo với suy nghĩ rất thơ ngây rằng đó là những việc có lợi cho học sinh thì làm.
Một câu chuyện khác tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cũng được nhiều báo phản ánh. Trưởng thôn ở đây thừa nhận là trót "năng nổ" quá mà chuẩn bị sẵn mẫu đơn đánh máy không nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19, rồi đi vận động khoảng hơn 20 hộ cận nghèo ký vào. Vị trưởng thôn này đã viết kiểm điểm, xin lỗi người dân và giải thích rằng việc đi vận động là hoàn toàn công tâm, không tư túi hay trục lợi.
"Biết thế thì đã không làm!" - nghiêm túc thì câu giãi bày đó chỉ nên dừng ở lứa tuổi trẻ em - đối tượng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật. Còn với người trưởng thành, thì nó chưa được chân thành cho lắm.
"Biết SAI thế thì đã không làm" hay thực ra là "Biết HẬU QUẢ thế thì đã không làm"? Nếu là vế sau thì bản chất là người nói vẫn còn trông chờ vào sự may mắn. Và thường sự việc cũng xuất phát từ những cám dỗ, đặc biệt là tiền bạc.
11 cầu thủ của đội U21 Đồng Tháp vừa nhận quyết định kỷ luật của VFF. Với mức phạt cao nhất là 5 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong vòng 5 năm do có hành vi tổ chức và tham gia cá độ trong trận đấu giữa hai đội U21 Vĩnh Long và U21 Đồng Tháp ngày 19/6/2019.
Trên bản tường trình của Huỳnh Văn Tiến, người nhận án phạt nặng nhất, những dòng chữ chưa ngay hàng thẳng lối trên dòng kẻ ô li, chẳng khác gì một bản kiểm điểm mà cậu con trai đưa về nhà cho phụ huynh. Nhưng đọc lên mới thấy lạnh người khi thấy sự ngây thơ của lứa cầu thủ trẻ dễ bị trục lợi như thế nào.
Tiến viết: Trong trận gặp Long An, một anh Thụ nào đó nói rằng nếu đá thắng về anh cho Tiến 10 triệu, Trường 10 triệu, Minh 10 triệu... Tiếp theo trận gặp Vĩnh Long, vào sân anh Thụ lại nói là cố đá thắng về anh cho tiền tiêu sau trận. Về thì anh cho 9 triệu, Tiến chia cho 2 đồng đội trẻ khác mỗi người 3 triệu.
Cũng cần biết rằng, 10 triệu là số tiền bằng với khoản lương cả năm của một cầu thủ trẻ ở trình độ trung bình. Nhưng với dân cá độ thì một bàn thua có chủ đích, kể cả là ở giải trẻ, cũng đều có thể được định giá cả trăm triệu đồng. Các cầu thủ trẻ thực sự chỉ là đám thỏ non trong miệng những con sói.
Những con mồi chấp nhận "thơ ngây"
Nếu nói về sói thì cần hiểu một chút về đặc điểm săn mồi của chúng. Sói sẽ tập trung vào một con mồi cụ thể trong bầy đàn và thường chọn những con già yếu, con còn nhỏ hoặc có điểm yếu rõ rệt. Chúng không hề tấn công bừa, và mục tiêu của chúng rất đơn giản: "Đổi được nhiều thức ăn nhất bằng cái giá nhỏ nhất".
Tập tính đó đã chuyển vào một nhóm đối tượng của xã hội. Và một dạng con mồi mà họ nhắm tới là những gia đình có bệnh nhân ung thư. Những người vì muốn đi tìm cửa hẹp cho sự sống mà chấp nhận trở thành những con mồi thơ ngây.
Tại nơi khám chữa bệnh của ông lang Nho, người bệnh không cần trực tiếp đến, người nhà chỉ phải mang theo bệnh án. Sau vài phút xem hồ sơ của 1 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ông liền khẳng định: "Tế bào này thành công rất là cao, hầu như 100%".
Phóng viên VTV đã dùng phim chụp của 1 người không bị ung thư, cắt bỏ phần thông tin cá nhân. Và phổi người này hoàn toàn khỏe mạnh. Xem phim chụp phổi của bệnh nhân ung thư, thầy liền khẳng định: "Bị viêm phổi".
Bí quyết để người đàn ông này chữa khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối là 1 lọ cao và 1 gói thuốc bột uống ngày 2 lần sau ăn với giá chỉ … "3 triệu rưỡi".
Chỉ qua cuộc điện thoại, đã có thể dễ dàng xác minh ông lang hoạt động không phép. Vậy mà lúc nào chính quyền địa phương cũng kêu khó trong việc bắt quả tang.
Và cũng quá dễ hiểu để lý giải cho việc vì sao lại chọn chữa bệnh cho những người hẹp đường sống. Vì nếu có chuyện chẳng lành xảy ra, cũng chẳng ai chứng minh được người bệnh vì thầy mà chết.
Thử nghiệm "đảo vị trí"
Ngây thơ vốn là một đức tính của trẻ nhỏ mà người lớn có thể tiếp nhận để cuộc sống nhẹ nhàng và tích cực hơn. Nhưng ngây thơ không có nghĩa là thiếu hiểu biết hoặc cố tình lờ đi những quy chuẩn của xã hội. Tính cách nào thì cũng cần vận dụng đúng lúc, đúng chỗ.
Hãy cũng làm một thử nghiệm nhỏ, khi tất cả các nhân vật và câu chuyện của chúng ta ở trên sẽ được sắp xếp theo một trật tự khác, biết đâu điều đó sẽ tốt hơn:
WeFit đổ vỡ vì không biết cách quản lý khách hàng của mình. Vậy thì hãy kiếm một người có khả năng chọn đúng từng khách hàng, biết rõ điểm yếu và nhu cầu của họ để khai thác. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là có lương tâm.
Để quản lý những lang băm, nếu chính quyền địa phương thấy khó phát hiện đến vậy thì nên học theo sự năng nổ của vị trưởng thôn Hạnh Phúc ở Thanh Hóa: đi đến từng nhà để vận động, dĩ nhiên cũng sẽ nắm được mọi chuyện tốt xấu đang diễn ra.
Việc hàng chục cán bộ chấm thi tại Hòa Bình nghe theo lệnh cấp trên mà sửa điểm là rất sai trái. Nếu vừa lắng nghe, vừa biết cân nhắc đúng sai thì mọi chuyện đã không đi quá xa.
Với các cầu thủ trẻ của U21 Đồng Tháp cũng vậy, hãy lắng nghe theo sự dạy dỗ của ban huấn luyện và cân nhắc trước những lời cám dỗ để giữ được tương lai của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!