Theo dõi vệt phóng sự phóng viên VTV liên tục phản ánh trong những ngày qua về những thầy lang tự xưng là chữa được bách bệnh, thậm chí là ung thư giai đoạn cuối, có bao giờ mọi người đặt câu hỏi rằng: Tại sao những người tự nhận mình là thầy thuốc này chỉ chuyên chữa trị những căn bệnh nan y, khó chữa? Thoạt nghe qua nhiều người sẽ bật cười cho rằng, lựa chọn chữa trị căn bệnh gì còn phụ thuộc vào kiến thức của người thầy thuốc. Tuy nhiên, thật ra nó đều nằm trong tính toán về trách nhiệm liên đới cũng như mục đích kiếm tiền của họ.
"Thuốc" diệu kì thầy lang bán đánh đố cả người trong nghề
Bỏ ra 5 triệu đồng để mua 2 loại thuốc của ông lang Nho cho người bố bị ung thư giai đoạn cuối. ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn nghĩ là món hời bởi đó là số tiền quá nhỏ nếu thực sự có thể duy trì sự sống cho người thân.
"Ông ý khẳng định là ông ý chữa được bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thôi thì như người chết đuối vớ được cọc nên mình bấu víu. Nhưng sau khi sử dụng thuốc của ông ấy mới thấy ông này là lừa đảo, mình khẳng định luôn", ông Nghĩa nói.
Thuốc được phơi đầy dưới nền đất.
Nói lừa đảo cũng chẳng oan khi thầy lang tự hào là "Kỷ lục gia người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công thuốc chữa bệnh ung thư", có cả bằng chứng kèm theo là bức ảnh nhưng đây chỉ là hình ảnh trong một khóa đào tạo. Còn thứ thuốc diệu kì thầy bán đúng là còn đánh đố cả với người trong nghề.
Tiến sỹ, Dược sỹ Trần Phi Hùng - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho hay: "Thầy thuốc mấy chục năm trong nghề còn không biết cái gì nữa… Làm thế này là sai pháp luật. Người ta lấy cái gì chứng minh thuốc đó điều trị được ung thư".
Chẳng có gì chứng minh được nên cứ chỉ bằng những lời đồn thổi và qua những tờ rơi, thầy lang cứ thế biến mình thành thần thánh, trong khi thuốc thầy chẳng biết thuốc gì. Thuốc được phơi đầy dưới nền đất, rồi tận dụng luôn vợ con làm người bốc thuốc kiêm tư vấn cho bệnh nhân, dù không có kiến thức về y khoa.
Nếu có chuyện chẳng lành xảy ra, cũng không ai chứng minh...
"Vì họ thấy rằng chữa cho những người bị bệnh ung thư là những người bệnh kiếm được nhiều tiền nhất. Nhưng ngược lại họ cũng không có một trách nhiệm gì nhiều bởi họ quan niệm rằng ung thư là chết. Cho nên họ chữa có thể hôm nay sống được nhưng đến mai chết cũng chẳng kiện cáo gì được người ta", PGS TS Lê Chính Đại - Giảng viên cao cấp bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội cho hay.
Quá dễ hiểu để lý giải cho việc vì sao những thầy lang "nổ" lại chọn chữa bệnh cho những người hẹp đường sống. Vì nếu có chuyện chẳng lành xảy ra, cũng không ai chứng minh được người bệnh vì thầy mà chết. Và có một điều hiển nhiên đó là nếu thực sự có tài năng và đạo đức, không việc gì phải hành nghề trái phép.
Thứ thuốc "thần thánh" thầy lang kê đơn cho những người bị bệnh ung thư.
Ông Nguyễn Trọng Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tài, Hưng Yên nói: "Đồn đại là thầy Bần chữa bệnh nhưng dân ở địa phương cũng chưa thấy có ai bảo là chữa bệnh nhà thầy Bần khỏi cả. Tất nhiên có bệnh thì vái tứ phương nhưng nó phải căn cứ vào thực tế, còn cứ nghe lời đồn đại đến khám chữa bệnh vừa mất tiền, vừa mang bệnh tật trong người".
Tiền mất, tật mang, rồi mất mạng - đó không còn là lời cảnh báo, mà đã thành hiện thực. Những thang thuốc lấy về của thầy lang còn chưa kịp uống hết, người bệnh đã ra đi.
Kết quả của lòng tin lại là một cú lừa, kêu chẳng ai thấu. Đằng sau vỏ bọc của một lương y là những hành vi coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người bệnh khi ngang nhiên hành nghề trái phép. Trách nhiệm xử lý chắc chắn thuộc về các cơ quan chức năng. Nhưng để những việc làm gây bức xúc và đau lòng như thế này không có cơ hội tái diễn cũng rất cần ý thức của người dân trong việc nâng cao cảnh giác, không mù quáng tin tưởng vào những điều phi lý và phản khoa học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!