Rừng Tây Nguyên vẫn liên tục bị tàn phá bất chấp lệnh "đóng cửa rừng"

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/05/2018 10:57 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp lệnh "đóng cửa rừng", nhiều cánh rừng tại Tây Nguyên đang bị lâm tặc tàn phá.

Thời gian qua, một số vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản diễn ra với quy mô lớn, rầm rộ như thách thức pháp luật bất chấp lệnh "đóng cửa rừng", gần đây nhất là vụ phá đường dây gỗ lậu trong vườn quốc gia Yok Đôn trải dài trên 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông của Phan Hữu Phượng (tức Phượng râu) bị Bộ Công an triệt phá.

Theo thông tin trên tờ Người lao động, tuyến đường đi của những xe gỗ lậu gần 100km từ khu vực biên giới về huyện Cư Jút (Đăk Nông), xe gỗ kềnh càng đi qua 3 đồn biên phòng, 1 trạm kiểm lâm, 3 trạm quản lý bảo vệ rừng và 1 đồn công an. Đặc biệt, lán trại khai thác gỗ lậu của Vượng râu hiện diện trong khu vực rừng quốc gia Yok Đôn, chỉ cách đồn Bo Heng ở xã Krông Na, Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk khoảng 500m.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao lán tập kết gỗ kề bên đồn biên phòng Bo Heng thời gian dài mà không bị phát hiện? Ai tiếp tay lâm tặc?

Không phải ngẫu nhiên báo chí và dư luận đặt câu hỏi này. Bởi gỗ trong Vườn Quốc gia Yok Đôn muốn về đến huyện Cư Jút phải đi qua 2 con đường là đường tuần tra biên giới và Quốc lộ 14. Hai con đường này chạy song song với nhau. Dù đi qua đường nào, gỗ lậu cũng buộc phải qua các đồn biên phòng.

Báo Lao động cho biết cơ quan điều tra đã thu thập được 4 quyển sổ sách ghi chép về việc Phượng râu chung chi cho các cơ quan chức năng với số tiền lên tới hàng tỉ đồng. Đây là điều mà dư luận băn khoăn.

Ngay trong tuần, 4 cán bộ biên phòng đã bị tạm đình chỉ công tác vì thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý địa bàn, gây dư luận xấu cho ngành trong vụ việc vận chuyển gỗ lậu của Phượng "râu". Hiện Bộ Tư lệnh biên phòng và Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Đắk Lắc vẫn tiến hành điều tra, xác minh nội bộ về thông tin có tiêu cực dẫn đến xe gỗ của Phượng "râu" ra khỏi rừng một cách dễ dàng.

Còn Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đỗ Quang Tùng nhận định với tính chất vụ việc, đối tượng hoạt động như vậy mà kiểm lâm không biết thì phải xem xét trong quản lý địa bàn. Quan điểm của Cục kiểm lâm, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che. Nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật

Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Đắk Nông, mà còn ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa... , đều có những vụ phá rừng lớn có "tiếp tay" của cán bộ địa phương. Nhiều nơi cán bộ địa phương là cơ sở, là người nhà của... lâm tặc. Vì vậy, chuyện xảy ra ở Đắk Nông không chỉ cần một cuộc "đại phẫu" ở tỉnh này về những sai phạm trong quản lý rừng và đất rừng, mà rất cần một sự "ra tay" quyết liệt hơn nữa trong việc chặn đứng sự phá rừng từ ngay trong bộ máy cán bộ ở các địa phương.

Quảng Nam: Kỷ luật các cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng Quảng Nam: Kỷ luật các cán bộ kiểm lâm để xảy ra phá rừng

VTV.vn - Ngày 4/5, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định cách chức và kỷ luật nhiều cán bộ kiểm lâm để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước