Nhân viên khuyết tật làm việc tại công ty phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Đây là cầu nối giúp người khuyết tật và doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu việc làm. Tìm hiểu ngay tại sàn giao dịch, có thể nhận thấy cơ hội việc làm cho người khuyết tật vẫn là vấn đề khó khăn, thách thức. Hiện tại ở Việt Nam vẫn còn khoảng 30% người khuyết tật chưa có việc làm.
Chị Hoàng Thị Thúy với đôi chân không còn lành lặn sau một tai nạn giao thông, khi đó vừa tròn 20 tuổi, chị Thúy đã mất 5 năm để vực lại tinh thần, hoàn thành khóa học Tin học văn phòng, hôm nay chị đến sàn giao dịch tìm việc. Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hải Dương cho biết, công việc văn phòng mà chị Thúy đang tìm công ty ông đã tuyển đủ người, nhưng với trường hợp khó khăn như Thúy, công ty ông có thể cân nhắc.
Doanh nghiệp do ông Vũ Xuân Tú làm chủ đến sàn giao dịch với nhu cầu tuyển thêm 55 lao động khuyết tật. Ông cho biết, sử dụng lao động khuyết tật không vì các chính sách ưu đãi, từ khi hoạt động đến nay, ông chưa vay vốn ưu đãi lần nào vì thủ tục phức tạp. Ông sử dụng lao động khuyết tật, bởi bản thân họ có những ưu điểm mà người lao động bình thường chưa chắc đã có được.
Ông Vũ Xuân Tú, Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hải Dương nhận xét: “Người câm điếc rất nhạy cảm với công việc và rất có ý thức, người khuyết tật trí tuệ thì thực sự khó khăn, còn người khuyết tật vận động nếu được tạo cơ hội, họ sẽ phát triển được”.
Tại sàn giao dịch, có 28 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với nhu cầu tuyển 250 lao động. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp này đều là các cơ sở từ thiện, chưa có đơn vị kinh doanh thuần túy, ngành nghề cũng chưa đa dạng, chủ yếu là may, thêu, thủ công, mỹ nghệ. Sàn giao dịch cũng mới chỉ tổ chức tại địa bàn Hà Nội.
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam: “Mới chỉ có các bạn ở Hà Nội được biết đến sàn giao dịch này, còn các địa phương khác họ không thể đến được”.
Việc làm đối với người khuyết tật vẫn vô cùng khó khăn. Có nơi nhận nhưng không thể làm được vì công ty ở tầng 2, tầng 3, không có thang máy nên không đi được. Còn có nơi cũng nhận nhưng lại quá xa, không có nơi ăn ở.
Ngay tại sàn việc làm cho người khuyết tật, không phải người khuyết tật nào cũng có thể tìm được công việc phù hợp với nhu cầu. Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam mỗi năm mất đi 3% tổng sản phẩm quốc nội vì thị trường lao động hạn chế tiếp nhận người khuyết tật. Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi, cần tháo gỡ các rào cản về việc làm cho người khuyết tật để tạo cơ hội cho mỗi người và cho cả xã hội.